Cảnh giác với bánh trung thu giá rẻ tràn ngập thị trường TP Hồ Chí Minh

Các loại bánh trung thu giá rẻ được bày bán nhiều tại các chợ truyền thống, trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử… Tuy nhiên, các loại bánh này có được cơ quan chức năng chứng thực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, vẫn là điều chưa được kiểm chứng.

Chú thích ảnh
Bánh trung thu giá rẻ được bày bán khá nhiều tại chợ truyền thống của TP Hồ Chí Minh. Những loại bày này có đầy đủ thông tin cơ sở sản xuất, nguyên liệu...

Đủ loại giá cho khách lựa chọn

Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, thị trường bánh trung thu nhộn nhịp từ cách nay 2 tháng khi các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Kido, Như Lan, Hữu Nghị… dựng quầy sạp trưng bày sản phẩm. Bên cạnh những tên tuổi lớn trên, thị trường bánh ở các chợ truyền thống và chợ mạng cũng sôi động không kém, với có đủ loại giá, chủng loại cho người dân lựa chọn.

Chú thích ảnh
Nhiều loại bánh dẻo được bày bán tại chợ Bình Tây với giá từ 15.000 đồng/cái trở lên. 

Chị Nguyễn Hồng Loan, chủ cửa hàng bánh kẹo tại chợ Bình Tây (chợ Lớn, Quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết, bánh trung thu năm nay có giá khá rẻ, chỉ 15.000 đồng/cái trở lên. Ngoài ra, khi khách mua số lượng lớn sẽ được giảm giá thêm 10% trên giá trị của đơn hàng.

“Bánh giá rẻ nhưng trên bao bì, nhãn mác các loại bánh này đều thể hiện rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng cũng như thành phần của bánh. Giá của các loại bánh rẻ là do nguyên liệu đầu vào rẻ và được sản xuất thủ công theo từng cơ sở nhỏ lẻ ở các tỉnh, thành lân cận nhập về”, chị Hồng Loan lý giải.

Theo chị Hồng Loan, những dòng bánh trung thu giá rẻ được nhiều người dân chọn mua nhiều hàng năm là do một số dòng bánh được làm nhân chay (không nhân) phù hợp cho người ăn chay; còn dòng bánh nhân mặn (trưng muối, chà bông…) được người dân mua số lượng lớn để làm quà tặng cho các em bé vui tết trung thu ở các tỉnh, vùng sâu, vùng xa… Giá một số loại bánh được người dân chọn mua nhiều là bánh dẻo các loại (không trứng, nhân chay), có giá 10.000 -15.000 đồng/cái; bánh nướng nhân mặn 1 trứng, có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/cái; loại 2 trứng giá 45.000 - 65.000 đồng/cái…

Chú thích ảnh
Trên các trang mạng xã hội, bánh trung thu còn được rao bán bán với giá 8.000 đồng/cái. 

Không chỉ ở chợ truyền thống, trên các “chợ mạng” như Facebook, Zalo, TikTok… bánh trung thu cũng được chào bán phổ biến với giá từ 10.000 đồng/cái trở lên hoặc 129.000 đồng/hộp 4 bánh. Những loại bánh này được giới thiệu là hàng được nhập từ Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc... với nhiều mức giá, từ vài chục nghìn một cái hoặc vài trăm nghìn đồng một sét. Thậm chí, có loại bánh trung thu mini, giá chỉ từ 79.000 đồng/hộp 6 bánh (70 gram).

Chú thích ảnh
Chị Đỗ Ngọc Thanh đặt mua 20 cái bánh trung thu nhập khẩu được rao bán trên mạng xã hội với giá 150.000 đồng/cái. Ảnh: NVCC

Chị Đỗ Ngọc Thanh, ngụ thành phố Thủ Đức cho biết, qua lời của một người bạn, chị đã đặt mua 20 bánh trung thu nhập khẩu loại 300gr/cái với giá 150.000 đồng để làm quà tặng cho mấy đơn vị đi làm từ thiện ở Đăk Lăk. Ngoài bánh này, chị còn chọn mua 100 cái bánh handmade đủ loại nhân như trà xanh, việt quất, táo đỏ… với giá từ 30.000 - 65.000 đồng/cái.  Dù vậy, khi hỏi người bán về các chứng nhận an toàn thực phẩm thì chị nhận câu trả lời “đây là bánh nhà làm”, không có các giấy tờ này. 

Cảnh giác với dòng bánh không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Theo đánh giá của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, càng cận Tết Trung thu, các cơ sở kinh doanh càng tăng lượng hàng đưa ra thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn thì vẫn còn một số nơi bán bánh trung thu nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng.

Chú thích ảnh
Các loại bánh trung thu nhà làm được rao bán khá nhiều trên các trang mạng xã hội. Mặc dù quảng cáo hoa mỹ, nhưng người bán không đề cập tới chứng nhận của cơ quan chức năng về chất lượng, nguyên liệu bánh. 

Có thể nói, vài năm trở lại đây, thị trường bánh trung thu ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng bắt mắt, giá thành hợp lý, được nhập bằng con đường chính ngạch, tiểu ngạch và do các cá nhân tự sản xuất thủ công, được người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Tuy nhiên, xác định các mối nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với các loại bánh trung thu,  ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường quản lý, kiểm tra các điểm bán bánh trung thu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nội dung kiểm tra tập trung vào nguồn gốc nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm...

Chú thích ảnh
Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 12 đã phát hiện 4.608 cái bánh trung thu trứng chảy loại 2,5 kg/thùng, không rõ không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng...

 "Kết quả kiểm tra cho thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, chúng tôi đã xử lý 24 vụ vi phạm đối với mặt hàng thực phẩm; riêng đối với mặt hàng bánh kẹo, bánh trung thu đã tạm giữ 15.749 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 150 triệu đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 219 triệu đồng. Theo kế hoạch, sau dịp Tết Trung thu, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", ông Nguyễn Quang Huy nói.

Tương tự, nhằm bảo vệ người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan quản lý về ATTP sẽ tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo…  từ đó kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo ATPT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thậm chí, nếu có dấu hiệu hình sự, Sở sẽ đề nghị chuyển qua cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Người dân chọn mua bánh trên mạng cần xem xét kỹ thông tin về nguồn gốc, nơi sản xuất...

Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng khuyến cáo, người dân nên lựa chọn mua bánh trung thu tại các cửa hàng, thương hiệu có uy tín, có đăng ký với cơ quan chức năng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi mua hàng trên mạng, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cẩn trọng, yêu cầu bên bán hàng cung cấp thông tin về nguồn gốc, nơi sản xuất, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác, không xuất xứ. Đồng thời, nếu phát hiện các cơ sở, sản phẩm vi phạm, người dân cần thông báo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý...

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Liệu bánh trung thu giảm ngọt và không đường có tốt hơn cho sức khoẻ?
Liệu bánh trung thu giảm ngọt và không đường có tốt hơn cho sức khoẻ?

Người tiêu dùng tại nhiều quốc gia châu Á đang chuyển sang lựa chọn các loại trung thu “lành mạnh hơn” với ít đường hoặc thậm chí không đường. Vậy trên thực tế, liệu những loại bánh trung thu này có thực sự lành mạnh?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN