Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, Tổng cục QLTT vừa có văn bản đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường quản lý theo địa bàn, thu thập thông tin, kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, kém chất lượng.
Qua đó, ngăn chặn, xử lý việc kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền, giả mạo nhãn hiệu, không bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát, đồ chơi trẻ em...
Theo ông Nguyễn Đức Lê, thời gian qua, có hiện tượng một số thương hiệu bánh trung thu mặc dù đã xây dựng được thương hiệu bánh trung thu sản xuất từ nguyên liệu trong nước nhưng thực tế vẫn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, về mặt chất lượng thì hiện chưa xác định được có ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng hay không.
Trước tình hình này, Tổng cục QLTT cũng đã chỉ đạo các Cục QLTT địa phương, nhất là Cục QLTT Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - 2 thị trường có sức tiêu thụ lớn về bánh trung thu trong dịp này, tiến hành kiểm tra đối với các thương hiệu lớn sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc không rõ ràng, kịp thời xử lý nghiêm, đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay.
Đối với bánh trung thu được quảng cáo nhập khẩu, handmade bán tràn lan trên mạng, ông Nguyễn Đức Lê cho hay, thị trường bánh Trung thu và các sản phẩm liên quan đến Tết Trung thu được người dân quan tâm. Cũng giống như mọi năm, vẫn còn các cơ sở sản xuất thủ công thường sử dụng các nguyên liệu rẻ tiền, quy trình chế biến ra các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, dẫn đến các sản phẩm được sản xuất thường có chất lượng không đảm bảo so với các sản phẩm của các công ty và đơn vị sản xuất có uy tín, thương hiệu. Một phần là do ý thức của người dân muốn mua sản phẩm rẻ, không quan tâm đến nguồn gốc của sản phẩm khi mua, dẫn đến việc bánh thủ công, không có nguồn gốc rõ ràng vẫn được tiêu thụ, đây là một phần góp vào việc nguy cơ mất an toàn về thực phẩm tăng cao trong dịp Trung thu.
Cùng với đó, các nguyên liệu được nhập từ các nước láng giềng về hiện nay rất khó kiểm soát. Trong nhiều năm trước đã có hiện tượng bánh Trung thu trứng chảy, bánh Trung thu nhập từ các nước láng giềng về, các sản phẩm này chưa được công bố về chất lượng cũng như chưa được các cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm định xem có phù hợp với tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam hay không.
Tuy nhiên, một số tổ chức cá nhân vẫn vì lợi nhuận đã tìm cách nhập lậu về để tiêu thụ trong thị trường nội địa Việt Nam, họ nắm bắt thị hiếu sính ngoại cũng như thích chơi trội so với thị trường nên vẫn tiêu thụ được một lượng lớn sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc và có nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Để quản lý chặt chẽ thị trường bánh trung thu, Tổng cục QLTT phối hợp thường xuyên với cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm. Đồng thời tuyên truyền đến người dân chỉ nên mua các sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc, chất lượng đã được kiểm định.
Thực tế, trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã tập trung đưa nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ là các loại thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh Trung thu ra thị trường tiêu thụ, gây ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng.
Mới đây, từ ngày 19/8/2024 đến ngày 23/8/2024, Đội QLTT số 5 (Cục QLTT Cao Bằng) tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh nướng, bánh ngọt trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Qua kiểm tra 2 hộ kinh doanh sản xuất bánh nướng, bánh ngọt tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Thạch An và thành phố Cao Bằng, Đoàn kiểm tra phát hiện 2 cơ sở trên đang sản xuất các loại bánh nướng, bánh ngọt vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm như: Sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không đầy đủ giá kệ; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy...
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh trên với số tiền 18 triệu đồng. Theo Cục QLTT tỉnh Cao Bằng, trong 8 tháng đầu năm, lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra 642 vụ, phát hiện, xử lý 372 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước của lực lượng QLTT tỉnh Cao Bằng đạt hơn 3,8 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, chỉ trong thời gian ngắn triển khai cao điểm kiểm tra thị trường dịp Tết Trung thu năm 2024, Đội QLTT số 5, Cục QLTT TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy gần 5.000 chiếc bánh Trung thu nhập lậu với trị giá hàng hóa gần 50 triệu đồng.
Điển hình, ngày 20/8/2024, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hai Bà Trưng khám 26 thùng carton chứa 2.496 chiếc bánh Trung thu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng là ông Trịnh Văn Trưởng, sinh năm 1992, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Trước đó, ngày 16/8, Đội Quản lý thị trường số 5 phối hợp kiểm tra thu giữ 900 chiếc bánh Trung thu các loại nhập lậu.
Tại Quảng Ninh, ngày 20/8, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện Hộ kinh doanh Lê Hoàng Anh rao bán bánh Trung thu qua mạng xã hội. Lực lượng chức năng đã thu giữ hàng trăm sản phẩm bánh Trung thu nhãn hiệu Bibizan xuất xứ Trung Quốc nhập lậu.
Theo báo cáo của Tổng cục QLTT, từ 15/12/2023 - 22/8/2024, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra hơn 50,4 nghìn vụ, phát hiện, xử lý hơn 35,5 nghìn vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng. Lực lượng QLTT cả nước thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng.