Cần siết chặt giao dịch tài chính, ‘rửa tiền’ cờ bạc qua hệ thống ngân hàng

Đường dây đánh bạc trực tuyến (online) 20.000 tỷ đồng vừa được Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá được xem là đường dây đánh bạc liên tỉnh, công nghệ cao và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Hưng Yên. Dư luận đặt dấu hỏi lớn về việc: Làm sao để siết chặn giao dịch tài chính, "rửa tiền" cờ bạc qua hệ thống ngân hàng?

Chú thích ảnh
Tang vật trong vụ án đánh bạc trực tuyến. Ảnh: Công an Hưng Yên.

Nhiều ý kiến cho rằng: Điểm chung của những vụ án đánh bài trực tuyến đều là lợi dụng các ví điện tử, hệ thống ngân hàng để kinh doanh đổi thưởng, ngăn chặn hoạt động rửa tiền. Nếu như game đánh bạc trực tuyến này chỉ đơn giản là một trò chơi, mang tính chất giải trí và không có mục đích lợi nhuận, đổi tiền ảo thành tiền thật thì hoàn toàn là hợp pháp.

Trong đường dây đánh bạc trên mạng Internet trên, có hơn 100 tài khoản ngân hàng của các nghị phạm bị lực lượng chức năng phong tỏa. Cơ quan cảnh sát điều tra xác định những game bài đánh bạc trên hoạt động từ năm 2018, đến nay có hàng triệu tài khoản của các con bạc đăng ký tham gia. 

Đề cập về vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay: Pháp luật Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào. Thực tế, các hình phạt đối với hành vi vi phạm này là khá nghiêm khắc. Song với nguồn lợi nhuận lớn có thể đạt được, các cá nhân tổ chức vẫn bất chấp quy định pháp luật mà ngang nhiên kinh doanh hoạt động trò chơi cờ bạc thông qua hình thức “núp bóng” game online.

Thời gian qua, các lực lượng công an đã nỗ lực chủ động đấu tranh đẩy lùi tội phạm và tệ nạn cờ bạc nói chung và đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng Internet nói riêng, tích cực rà soát, theo dõi các đường dây, tụ điểm hoạt động phức tạp để loại bỏ các đường dây đánh bạc trái phép này. Đến nay, đã có hàng loạt vụ đánh bạc online với số tiền bất chính lên đến hàng nghìn tỷ đồng liên tục bị lực lượng chức năng triệt phá. Như vậy, có thể thấy rằng nạn cờ bạc online vẫn không suy giảm, ngược lại còn có chiều hướng tăng cao với hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Nhằm giải quyết vấn đề này, theo luật sư Trương Anh Tú, cần có các giải pháp để “chữa tận gốc vấn đề”. “Để ngăn chặn vấn nạn cờ bạc online như hiện nay, giải pháp tối ưu và là mấu chốt của vấn đề là quản lý chặt các giao dịch tài chính qua hệ thống ngân hàng”, ông Anh Tú nói.

Tại khoản 13 Điều 4 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng chính sách, kế hoạch và tổ chức thực hiện phòng, chống rửa tiền.” Bên cạnh đó, Điều 11 Luật các tổ chức tín dụng ghi nhận: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm sau: Không được che giấu, thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp pháp. Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố". Các ngân hàng có trách nhiệm hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.

Theo ý kiến của một số chuyên gia tài chính, pháp luật đã có quy định cụ thể về chức năng phòng chống rửa tiền của ngân hàng. Thông thường, các ngân hàng sẽ có phòng, ban về phòng chống rửa tiền với các chức năng hiện đại hóa công tác sàng lọc giao dịch, phát hiện, xử lý giao dịch đáng ngờ và công tác rà soát theo danh sách liên quan đến cấm vận, trừng phạt.

Hệ thống giao dịch của ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, cảnh báo phát hiện những giao dịch đáng ngờ. Khi phát hiện giao dịch đáng ngờ, ngân hàng cần phải báo cáo và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền. Ngược lại, nếu không thực hiện hoạt động báo cáo, áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì ngân hàng đã có dấu hiệu tiếp tay cho hoạt động rửa tiền, có khả năng còn phải chịu trách nhiệm hình sự do đồng phạm theo quy định Bộ Luật hình sự.

Giới luật sư cho hay: Theo Nghị định 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền còn ghi nhận: “Tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn; khi nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến hoạt động rửa tiền”. Vì vậy, các ngân hàng cần phải kiểm soát và nhận biết được khách hàng khi tham gia giao dịch để phòng chống rửa tiền của các tội phạm. 

 

M.P/Báo Tin tức
Ngân hàng tập huấn phòng chống rửa tiền, tuân thủ cấm vận và FATCA 2020
Ngân hàng tập huấn phòng chống rửa tiền, tuân thủ cấm vận và FATCA 2020

Với sự tham dự của hơn 200 học viên là lãnh đạo và cán bộ thuộc các đơn vị nghiệp vụ tại trụ sở chính và các chi nhánh khu vực miền Bắc và miền Trung, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức Hội thảo tập huấn về phòng chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận và Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA) năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN