Tại thời điểm 9 giờ 25 phút, VN - Index giảm gần 22 điểm xuống hơn 726 điểm. Toàn sàn có 228 mã giảm giá, trong khi chỉ có 61 mã tăng giá và 34 mã đứng giá.
HNX - Index giảm 1,69 điểm xuống hơn 100 điểm. Toàn sàn có 85 mã giảm giá, trong khi cũng chỉ có 20 mã tăng giá và 23 mã đứng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 29 mã giảm giá, trong khi chỉ còn duy nhất một mã tăng giá là ROS tăng 6,3%.
Các mã giảm mạnh trong nhóm VN30 có thể kể tới như bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup gồm VIC, VRE, VHM có mức giảm đều trên 4%. Bên cạnh đó, các mã đầu ngành thực phẩm – đồ uống cũng giảm sâu như: VNM giảm 3,6%, MSN giảm 2%. Các mã lớn khác như: VJC, BVH, HPG... cũng đều có mức giảm mạnh.
Bên cạnh đó, tại nhóm cổ phiếu ngân hàng không còn mã nào giữ nổi sắc xanh. VCB, BID, HDB, VPB, ACB, CTG, SHB... đều có mức giảm từ hơn 2% đến gần 6%.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến rất tiêu cực. BSR, PVD, PVS, PVC, PVB, GAS, PLX... đều chìm sâu trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu dầu khí đang chịu tác ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường chung và diễn biến đi xuống của giá dầu.
Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên ngày 18/3, trong đó giá dầu thô của Mỹ chạm mức thấp nhất của 18 năm, giữa bối cảnh các nước trên thế giới tăng cường phong toả nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, qua đó tác động mạnh đến nhu cầu nhiên liệu trên toàn cầu.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết do chính phủ các nước kêu gọi người dân hạn chế tập trung đông người và tự cách ly, nhu cầu dầu trên thế giới có thể giảm tới 8-9 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 3/2020.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 6,58 USD (24,4%) xuống 20,37 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 20/2/2002. Giá dầu Brent Biển Bắc hạ 3,85 USD (13,4%) xuống 24,88 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003.
Thị trường dầu vốn đang "lao đao" sau khi Saudi Arabia trong tháng này quyết định tăng mạnh nguồn cung do nước này và Nga không đạt được sự nhất trí về việc cắt giảm thêm sản lượng để đối phó với nhu cầu yếu.
Đến 9 giờ 38 phút, VN – Index tiếp tục xu hướng giảm, đã giảm tới gần 26 điểm xuống gần 722 điểm. Trong khi HNX – Index cũng giảm tới gần 2 điểm xuống 99,94 điểm.
Trên thị trường chứng khoán thế giới, Phố Wall tiếp tục giảm sâu, trong khi đó sàn NYSE tạm thời đóng cửa từ ngày 23/3.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến đà bán tháo trong phiên giao dịch ngày 18/3 và chỉ số Dow Jones đã gần như “xóa sạch” nỗ lực đi lên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức năm 2017, giữa bối cảnh sự lây lan mạnh của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đe dọa làm tê liệt các hoạt động kinh tế.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1.338,46 điểm (6,3%) xuống 19.898,92 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 131,09 điểm (5,18%) xuống 2.398,1 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 344,94 điểm (4,7%), đóng cửa ở mức 6.989,84 điểm.
Ba chỉ số chủ chốt đều giảm điểm mạnh trong phiên này, cho dù biên độ giảm đã thu hẹp vào cuối phiên sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trị giá 104 tỷ USD với các điều khoản chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cho phép người lao động Mỹ nghỉ phép hưởng lương trong tình huống khẩn cấp và được xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2.
Đây là gói hỗ trợ thứ hai mà Quốc hội Mỹ thông qua trong bối cảnh ngày càng có những lo ngại về sự bùng phát của dịch COVID-19 tại Mỹ khiến nền kinh tế nước này có khả năng rơi vào suy thoái. Sau khi được thông qua, gói hỗ trợ này dự kiến sẽ nhanh chóng được Tổng thống Trump ký duyệt.
Ngoài ra, một động thái khác khiến nhà đầu tư thêm lo ngại là việc Intercontinental Exchange Inc, cơ quan chủ quản Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), cho biết NYSE sẽ tạm thời đóng cửa và chuyển hoàn toàn sang giao dịch điện tử bắt đầu vào ngày 23/3 tới do ảnh hưởng của dịch COVID-19.