Cụ thể, theo Bộ Công Thương, trước tình trạng buôn lậu, làm hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh bia, rượu, năm 2011, Bộ Công Thương cùng với các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu Đề án “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh bia”.
Đóng gói bia lon tại Nhà máy bia Đại Việt (Thái Bình). Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Trong đó, có đề xuất dán tem bia, nhằm hạn chế tình trạng gian lận thương mại, đồng thời tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, xét thấy việc dán tem có thể khiến doanh nghiệp phát sinh chi phí, phát sinh thủ tục, nên Bộ Công Thương đã không xem xét phương án dán tem bia. Thay vào đó, Bộ nghiên cứu các giải pháp khác trên cơ sở đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp…
Năm 2014, Dự thảo Nghị định Quản lý sản xuất, kinh doanh bia của Bộ Công Thương cũng gây tranh cãi do quy định sản phẩm bia phải dán tem. Đại diện các doanh nghiệp bia cho rằng, việc dán tem này sẽ tiêu tốn khoản tiền hàng nghìn tỷ đồng, trong khi không cần thiết phải làm như vậy.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đánh giá: Đầu tư thiết bị để dán tem bia sẽ tiêu tốn khoảng 2.000 tỉ đồng của doanh nghiệp để mua tem, bảo dưỡng, khấu hao máy móc và quản lý tem hằng năm. Chưa kể đến những tiêu cực có thể phát sinh khi áp dụng quy định này, bởi đã dán tem thì sẽ có cơ quan cấp phát tem và doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào cơ quan này để có tem dán lên sản phẩm.