Áp lực bán mạnh, VN-Index đỏ sàn mất hơn 50 điểm

TTCK cuối tuần ngày 20/8 bất ngờ giảm mạnh, các chỉ số đồng loạt giảm sâu do áp lực bán mạnh. Hầu hết các mã cổ phiếu ở các ngành đều rớt điểm khiến tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn, VN-Index theo đó đã có lúc rớt đến hơn 50 điểm. Kết phiên chiều, VN-Index giảm 38,66 điểm xuống còn 1.336 điểm.

Chú thích ảnh
Trong ngày 20/8, TTCK đỏ hầu hết các mã ngành khiến VN-Index mất điểm mạnh. 

Tính đến 14 giờ 10 phút, VN-Index giảm 50 điểm xuống còn 1.327 điểm; HNX-Index giảm 9,87 điểm xuống còn 336,2 điểm; UPCom-Index giảm 2,52 điểm xuống còn 92,19 điểm. Thậm chí, chỉ số VN-Index có lúc giảm đến 57 điểm khi gần đến cuối phiên.

Tại thời điểm 14 giờ 20 phút, ngay trước thềm phiên ATC, dòng tiền bắt đáy vào nhanh đẩy chỉ số hồi phục khá tốt từ  giảm 57 điểm về mức chỉ còn  giảm 40 điểm.

Kết phiên chiều, VN-Index giảm 38,66 điểm xuống còn 1.336 điểm; HNX-Index giảm 7,12 điểm xuống còn 338,94 điểm; UPCom-Index giảm 2,32 điểm xuống còn 92,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 1.151,63 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch khoảng 45.903 tỷ đồng

Trước đó kết phiên sáng, VN-Index giảm 29,14 điểm, xuống còn 1,345.71 điểm; HNX-Index giảm 3.97 điểm, xuống còn 342.09 điểm. 

Đáng chú ý là hầu hết các mã cổ phiếu vua và penny ở hầu hết các ngành hàng đều giảm. Trong đó, 10 cổ phiếu ảnh hưởng mạnh nhất đến toàn thị trường là: VIC, VCB, GAS, VHM, HPG, BID, TCB, VPB, MBB, GVR. 

Việc giảm giá mạnh của thị trường cuối tuần tuy không vượt ngoài dự đoán của các chuyên gia chứng khoán trước đó, nhưng cũng hơi bất ngờ bởi vùng hỗ trợ 1.350-1.355 đã bảo vệ không thành công trong ngày cuối tuần khi lệnh bán liên tục áp đảo.

Theo nhận định của ông Lê Vương Hùng, Giám đốc Khối Kinh doanh Môi giới CTCK Rồng Việt (VDSC), nguyên nhân TTCK ngày 20/8 giảm mạnh vì thông tin về tăng trưởng kinh tế quý 3 sẽ rất thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm. Vì hiện nay, rất nhiều ngành nghề phải giảm công suất sản xuất, tiêu thụ gặp khó khăn, trong khi đầu vào đang tăng giá mạnh. Mặt khác, tình hình xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 8 sụt giảm so với cùng kỳ càng khẳng định nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Có thể thấy, nhiều ngành nghề và doanh nghiệp đang cầu cứu Chính phủ hỗ trợ. Cho thấy rằng, kết quả kinh doanh của DNNY Quý 3 này không tích cực

Nguyên nhân thứ hai, theo ông Lê Vương Hùng, TTCK Mỹ và thế giới cũng đang trọng giai đoạn điều chỉnh vì dịch COVID-19 bùng phát nhiều nơi. Thêm vào đó, FED dự kiến sẽ giảm quy mô mua vào trái phiếu ngay trong năm nay cũng làm thị trường bị ảnh hưởng, vì giai đoạn nới lỏng tiền tệ sắp kết thúc. 

Lý do cuối cùng, VN-Index sau khi giảm 200 điểm từ đỉnh 1.425, sau đó tăng lại 130 điểm thì việc điều chỉnh lúc này có thể dự báo được. Tuy nhiên, ông Lê Vương Hùng cho rằng, lãi suất vẫn đang rất thấp, dòng tiền rất lớn vẫn nằm trong tài khoản nhà đầu tư nên VN-Index sẽ sớm tìm được điểm cân bằng, sau đó tiếp tục đà tăng điểm trong thời gian tới.

Còn theo nhận định của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường hồi phục sau hai phiên điều chỉnh liên tiếp với thanh khoản tiếp tục cao hơn mức trung bình nên thị trường đảo chiều ngày 20/8 không có gì lạ. Tuy nhiên, việc tăng điểm trong phiên 19/8 của VN-Index vẫn chưa thể đóng cửa trên vùng kháng cự 1.370-1.380 điểm nên kịch bản nối dài sóng hồi phục lên vùng 1.400-1.425 điểm (đỉnh tháng 7/2021) chưa được kích hoạt. Chính vì vậy, trong phiên giao dịch cuối tuần 20/8, VN-Index đã bị rung lắc trước lực bán áp đảo.

Tương tự, CTCK Ngân hàng DongA cho rằng, các cổ phiếu trụ vẫn nằm trong danh sách bán ròng kéo dài nhiều phiên của nhà đầu tư nước ngoài, gây áp lực lên chỉ số VN-Index. Tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng lo ngại trước những ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh lên tình hình kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết, hoạt động chốt lời diễn ra khi thị trường có nhịp hồi trong phiên giao dịch. 

Ngoài ra, VN-Index đang có hỗ trợ ngắn hạn ở vùng 1.320 điểm. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư theo chiến lược trung và dài hạn vẫn có thể nắm giữ nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ những chính sách kích thích kinh tế sau đại dịch và nhóm cổ phiếu liên quan chính sách đầu tư công. Với nhà đầu tư ngắn hạn, không nên mua đuổi giá trong những nhịp hồi kỹ thuật.

Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Nguyên nhân nào khiến chứng khoán tăng mạnh rồi lại giảm sâu?
Nguyên nhân nào khiến chứng khoán tăng mạnh rồi lại giảm sâu?

Sau cú bật tăng mạnh trong phiên hôm qua, thì mở cửa phiên sáng nay 20/8, chỉ số VN-Index lập tức lao dốc và càng cuối phiên giao dịch, thị trường càng diễn biến tiêu cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN