Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng Bảy doanh thu bán lẻ tại Mỹ đã giảm 1,1% so với tháng Sáu. Số liệu này ghi dấu mức giảm mạnh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích và phần lớn là do doanh số bán ô tô sụt giảm mạnh.
Số liệu gây thất vọng trên đã thúc đẩy hoạt động bán ra trên thị trường chứng khoán, sau khi các chỉ số Dow Jones và S&P 500 liên tiếp lập kỷ lục trong tuần trước. Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com (Mỹ) nhận định số liệu về bán lẻ là “cái cớ” để các nhà đầu tư đảo chiều xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán gần đây.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% xuống 35.343,28 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,7% xuống 4.448,08 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,9% xuống 14.656,18 điểm.
Báo cáo về doanh thu bán lẻ được đưa ra khi đà tăng các ca mắc COVID-19 dẫn đến những hạn chế mới ở một số khu vực của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính sách hạn chế mới sẽ không nghiêm ngặt như đã được áp dụng tại Mỹ hồi năm ngoái.
Một vấn đề khác đang tác động đến tâm lý của giới đầu tư là lo ngại sự bùng phát trở lại dịch COVID-19 tại Trung Quốc và các nước xuất khẩu chủ chốt khác, vốn đang làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng, có thể đẩy lạm phát lên cao hơn.
Phiên này, các công ty liên quan đến du lịch đã có một ngày tồi tệ, khi giá cổ phiếu của hãng du thuyền Carnival giảm 3,3%, cổ phiếu của tập đoàn khách sạn Marriott International giảm 2,1% và cổ phiếu của hãng hàng không United Airlines giảm 2,2%.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên 17/8, chỉ số VN-Index giảm 0,57% xuống 1.363,09 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 0,12% xuống 343,11 điểm.