Chấp nhận 'đội' chi phí để khách hàng trải nghiệm dùng thẻ chíp

Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2019, ít nhất 30% số thẻ ATM, 50% thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại điểm bán hàng đang lưu hành trên cả nước phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chuẩn thẻ chíp nội địa. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với các ngân hàng khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp là chi phí chuyển đổi.

Chú thích ảnh
Ra mắt thẻ thanh toán quốc tế không tiếp xúc, Kienlongbank ghi tên vào danh sách các ngân hàng Việt Nam sớm cập nhật công nghệ thanh toán ưu việt. Ảnh: Bích Liên.

“Giá thành để sản xuất một thẻ chíp cao hơn sản xuất thẻ từ khoảng 8 - 10 lần. Với số lượng khách hàng đang sử dụng thẻ từ của ngân hàng là hơn 8 triệu, thì việc chuyển đổi này sẽ tiêu tốn một khoản chi phí không nhỏ”, ông Phạm Đăng Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối bán lẻ VietinBank cho biết.

Tuy nhiên, đại diện VietinBank khẳng định: VietinBank sẵn sàng hỗ trợ khách hàng chuyển đổi. Ưu điểm lớn nhất của thẻ chíp là thông tin được mã hóa và chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được dữ liệu trong thẻ, nên thẻ chíp rất khó để làm giả. Do đó, việc khách hàng chuyển từ thẻ từ sang thẻ chíp sẽ hạn chế được tình trạng tội phạm đánh cắp dữ liệu thẻ để chế tạo thẻ giả rút trộm tiền.

Cũng với nỗi lo về chi phí phát sinh, ông Phạm Duy Hiếu, Tổng Giám đốc ABBank cho hay: Việc đầu tư cho một hệ thống thanh toán mới và hiện đại thì ngân hàng phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho hạ tầng, hệ thống quản lý thẻ, thiết bị chấp nhận thẻ. Song, với xu thế chung của nền kinh tế số toàn cầu, cũng như thực hiện chỉ đạo của NHNN, ABBank đặt mục tiêu đến giữa năm 2020 sẽ chuyển đổi 100% thẻ từ sang thẻ chíp. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 12/10, ông Trần Việt Thắng, thành viên Ban điều hành ABBank cho hay: Sự kiện lớn nhất của ABBank cũng như của thị trường thẻ Việt Nam trong tháng 5/2019 là ABBank tiếp tục phối hợp cùng Công ty CP thanh toán Quốc gia (Napas) ra mắt thẻ chíp ABBank Youcard contactless cho dòng thẻ thanh toán nội địa với công nghệ thanh toán không chạm. Phía ngân hàng đã hoàn tất các khâu kỹ thuật, nâng cấp hệ thống hiện hữu như: Hệ thống quản lý thẻ, hệ thống cá thể hóa thẻ, hệ thống ATM/POS… sẵn sàng cho việc phát hành và chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp nội địa theo tiêu chuẩn VCCS với công nghệ không tiếp xúc.

“Để hoàn thành việc chuyển đổi toàn bộ thẻ từ qua thẻ chíp trước thời hạn của NHNN vào 31/12/2020, ABBank đang có kế hoạch làm việc với các đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ liên quan đến lĩnh vực giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, điện, nước… và các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực công để tích hợp thanh toán trên nền tảng thẻ chíp nội địa không tiếp xúc”, ông Trần Việt Thắng nói.

Còn theo ông Chu Hồng Ngọc, Giám đốc Khối vận hành của VPBank, VPBank đã xác định miễn phí chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp cho khách hàng. Hiện, ngân hàng có khoảng 1,5 triệu thẻ nội địa đang lưu hành và hơn 500 máy POS, nhưng VPBank sẽ chi trả toàn bộ chi phí chuyển đổi.

Nhìn nhận về tính khả thi khi chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc Napas cho hay: Phía ngân hàng đã có chuyển động mạnh mẽ. Bằng chứng là vào đầu năm 2019 đã có lễ ra mắt thẻ chip, khi đó chỉ có 7 ngân hàng, nhưng giờ Napas đã cùng hơn 20 ngân hàng sẵn sàng công nghệ chuyển đổi thẻ chip. Đến quý I/2020, không chỉ dừng lại 20 ngân hàng và 6 tổ chức cung cấp thẻ chip nữa, mà sẽ lên tới 26 ngân hàng, 10 công ty cung cấp thẻ chip.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử năm 2019 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định: Chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thẻ từ sang thẻ chíp là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt. Triển khai nhiệm vụ này, ngày 5/10/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, quy định chi tiết kỹ thuật thẻ nội địa Việt Nam tương thức chuẩn của EMV quốc tế, ngăn ngừa giả mạo thẻ trong môi trường vật lý qua các kênh ATM, POS.

Thẻ chíp giúp ngân hàng phát hành thẻ nội địa Việt Nam có tiềm năng mở rộng hệ sinh thái thanh toán sang các ngành như: Y tế, giao thông, bảo hiểm, đem lại lợi ích thiết thực và trải nghiệm vượt trội cho người dân sử dụng dịch vụ. NHNN cũng ban hành Thông tư 41 quy định lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip, lộ trình chuyển đổi với thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng đang hoạt động tại Việt Nam như đối với tổ chức thanh toán thẻ đến 31/12/2020 và tổ chức phát hành thẻ nội địa đang lưu hành 31/12/2021.

Theo thống kê của NHNN, 9 tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018. Cuối tháng 9/2019, số thẻ lưu hành cả nước 96,4 triệu thẻ với 36 tổ chức phát hành, nhiều thương hiệu thẻ khác nhau trong đó, thẻ ghi nợ nội địa chiếm tỷ lệ áp đảo trên 90% tổng thẻ lưu hành. Cơ sở hạ tầng dịch vụ thẻ phát triển mạnh mẽ, gia tăng đáng kể số lượng khách hàng... là cơ sở thúc đẩy dịch vụ phát triển thanh toán điện tử mới hiện đại như như: Ví điện tử, Internet banking, mobile banking…

Minh Phương/Báo Tin tức
MoMo “chơi lớn” trong ngày hội thanh toán không tiền mặt
MoMo “chơi lớn” trong ngày hội thanh toán không tiền mặt

Duy nhất trong ngày 1/11, khách hàng sử dụng Ví MoMo thanh toán khi mua hàng sẽ dược hoàn tiền 50%. Đặc biệt, trong ngày 1/11, chỉ cần tới tham gia siêu hoàn tiền tại 1 trong 3 địa điểm trong danh sách vào giờ vàng, người dùng chắc chắn nhận thưởng thêm quà đổ xăng, đi cửa hàng tiện lợi hoặc cafe, trà sữa miễn phí lên đến 1 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN