Thế vận hội dành cho người khuyết tật này diễn ra trong bối cảnh hết sức khó khăn, khi dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới và thành phố đăng cai đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế. Vì vậy, các nhà tổ chức đặt ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo an toàn cho những người tham dự thế vận hội, nhất là các vận động viên khuyết tật vì đây là những đối tượng dễ mắc COVID-19 nhất.
Phát biểu với các phóng viên ngay trước lễ khai mạc, ông Andrew Parsons, Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC), khẳng định thành công của Paralympic Tokyo 2020 phụ thuộc hoàn toàn vào việc liệu các nhà tổ chức có thể kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 hay không khi mà số ca mắc COVID-19 ở thành phố đăng cai vẫn liên tục lập những mốc cao mới.
Các tiêu chí khác để đo lường sự thành công của Paralympic 2020 như số lượng kỷ lục thế giới được xác lập hay có bao nhiêu khán giả theo dõi thế vận hội này qua truyền hình đều không quan trọng bằng. Ông Parsons cũng nhấn mạnh “nguyên tắc hàng đầu để tổ chức giải đấu này là sự an toàn và sức khỏe của tất cả mọi người”, đồng thời cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở trong và ngoài làng vận động viên thông qua việc tận dụng các kinh nghiệm từ Olympic Tokyo 2020.
Paralympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 5/9 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh gồm Chiba, Saitama và Shizuoka, với sự tham gia của khoảng 4.400 vận động viên từ 161 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng với đoàn thể thao người tị nạn. Đây là Paralympic có số vận động viên đông nhất trong lịch sử, trong đó đoàn chủ nhà Nhật Bản đứng đầu với 254 người, số lượng vận động viên nữ cũng lập kỷ lục là 1.853 người. Đoàn Việt Nam có 7 vận động viên tham dự Paralympic 2020, trong đó có lực sĩ Lê Văn Công, người đã giành HCV và phá kỷ lục thế giới cử tạ hạng dưới 49 kg nam tại Paralympic Rio 2016. Các vận động viên Việt Nam sẽ thi đấu ở 3 môn thể thao gồm: bơi, cử tạ và điền kinh.
Phần lớn các sự kiện của đại hội thể thao này được tổ chức ở Tokyo. Tuy nhiên, trong những ngày qua, tình hình dịch bệnh ở thành phố đăng cai đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại cuộc họp với chính quyền thủ đô Tokyo ngày 20/8, các chuyên gia y tế cảnh báo tình hình dịch bệnh ở thành phố này đang ở mức thảm họa, đồng thời cảnh báo có thể có nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 chưa được phát hiện trong cộng đồng. Nếu tình hình dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát, hệ thống y tế của Tokyo sẽ sụp đổ.
Để đảm bảo an toàn cho những người tham dự thế vận hội này, đặc biệt là không ít vận động viên có bệnh nền và có nguy cơ biến chứng nặng khi mắc COVID-19, các nhà tổ chức đã áp dụng các biện pháp phòng dịch cực kỳ nghiêm ngặt từng áp dụng thành công tại Olympic Tokyo 2020. Cụ thể, ngoài việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, các vận động viên và quan chức thể thao nước ngoài chỉ được phép vào làng Paralympic 7 ngày trước khi thi đấu và phải rời làng hai ngày sau khi hoàn tất các lịch thi đấu. Các vận động viên chỉ được di chuyển từ làng Paralympic tới nơi tập luyện và địa điểm thi đấu. Các quan chức thể thao và phóng viên nước ngoài chỉ được di chuyển theo lộ trình đã đăng ký trước khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Bất cứ ai vi phạm quy định này sẽ bị áp dụng các biện pháp hành chính nghiêm khắc, thậm chí bị trục xuất khỏi Nhật Bản.
Trong thời gian lưu trú tại làng Paralympic, tất cả các vận động viên và quan chức thể thao đều phải đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và xét nghiệm PCR hằng ngày. Tuy nhiên, do một số vận động viên có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng cao hơn nên các nhà tổ chức cho biết họ sẽ tăng cường các biện pháp an toàn tại làng Paralympic, trong đó có việc không cho phép khán giả vào tất cả các địa điểm thi đấu, ngoại trừ các học sinh đang tham gia chương trình đào tạo của chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp của các nhà tổ chức Paralympic Tokyo 2020 tối 16/8, bà Seiko Hashimoto, Trưởng ban Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020, tuyên bố: “Bằng cách thực hiện các biện pháp triệt để trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức Olympic, tôi tin chắc rằng chúng ta có thể tổ chức Paralympic an toàn, an ninh và suôn sẻ”.
Việc các nhà tổ chức Paralympic Tokyo 2020 không cho phép khán giả vào tất cả các địa điểm thi đấu khiến nhiều người hâm mộ thể thao không khỏi nuối tiếc. Tuy nhiên, họ đều hiểu rằng đó là một quyết định hợp lý, nhất là khi dịch bệnh đang bùng phát dữ dội ở thủ đô Tokyo và các tỉnh lân cận. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, bà Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á (ACCL) có trụ sở ở Tokyo, nói: “Bản thân tôi cảm thấy rất tiếc về điều này. Tuy nhiên, tôi mong tất cả mọi người cố gắng thực hiện các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là các vận động viên dự Paralympic sắp tới. Dù sao đây cũng là hoạt động thể thao nên tốt nhất mọi người nên đặt việc bảo vệ sức khỏe bản thân lên hàng đầu”.
Theo thống kê của IPC, thế giới hiện có 1,2 tỷ người khuyết tật, chiếm khoảng 15% dân số toàn cầu. Đây cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi dịch bệnh. Paralympic Tokyo 2020 đã trở thành một sự kiện vô cùng quan trọng bởi nó không những khơi dậy tinh thần thể thao và tinh thần đoàn kết trong người khuyết tật trên toàn thế giới, mà còn thắp sáng hy vọng cho các đối tượng yếu thế này. Chủ tịch IPC Andrew Parsons đã khẳng định: “đây là kỳ Paralympic quan trọng nhất trong lịch sử. Ngay cả khi không có khán giả, chúng tôi vẫn tin rằng thế vận hội này sẽ là một di sản lớn”.
Tối 24/8, ngọn lửa Paralympic lại được thắp lên, để các vận động viên khuyết tật, bằng đôi cánh của nghị lực và khát khao, vươn lên những đỉnh cao mới, tiến lên phía trước, như ý tưởng xuyên suốt của Olympic và Paralympic Tokyo 2020 là “Moving Forward”, bất chấp những thử thách của đại dịch hay bất kỳ khó khăn nào khác. Đó cũng là tinh thần để chiến thắng đại dịch COVID-19.