Paralympic Tokyo 2020: Nguồn cảm hứng và hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn

Con gái của nhà giải phẫu thần kinh người Anh gốc Đức Ludwig Guttmann - "cha đẻ" của Paralympic - đã bày tỏ hy vọng rằng sự kiện thể thao lớn nhất thế giới dành cho người khuyết tật sẽ mãi là “nguồn cảm hứng và hy vọng” cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, đặc biệt là khi giải đấu năm nay được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Eva Loeffler, con gái của Sir Ludwig Guttman, tham gia cuộc thi rước đuốc Paralympic London 2012. Ảnh: paralympic.org

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến với hãng Kyodo News, bà Eva Loeffler - người từng phụ trách Làng vận động viên Paralympic 2012 ở London (Anh) - cho biết bà tin rằng phạm vi bao trùm của các môn thi và các quốc gia mà các vận động viên khuyết tật đại diện tranh tài sẽ khiến công chúng thế giới thay đổi góc nhìn đối với những người khuyết tật.

Bà Loeffler, năm nay 88 tuổi, cho biết: "Giải đấu sẽ khiến nhiều người nhìn người khuyết tật với ánh mắt khác đi, bởi mọi việc họ thực hiện trông rất bình thường. Bạn không phải đang quan sát người khuyết tật, mà bạn đang theo dõi các vận động viên thực thụ". Tuy nhiên, bà cũng cho rằng bất chấp sự thay đổi thái độ này, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện cuộc sống của những người tàn tật trong các lĩnh vực khác của xã hội.

Cha của bà Loeffler - nhà khoa học Guttmann được biết đến là người tiên phong trong những phương pháp điều trị mang tính cách mạng đối với bệnh nhân bị bại liệt tại Bệnh viện Stoke Mandeville ở Buckinghamshire, miền Nam nước Anh. Trong các liệu pháp mà ông Guttmann đưa ra có việc kết hợp tập luyện thể thao như một phương pháp phục hồi thể chất và giao tiếp xã hội, 

Nhà khoa học Guttmann trở thành công dân Anh vào năm 1945. Ba năm sau đó, ông tổ chức Thế vận hội Stoke Mandeville đầu tiên dành cho các cựu chiến binh tàn tật - sự kiện tạo tiền đề cho Paralympic ngày nay. Kỳ Paralympic đầu tiên được chính thức công nhận diễn ra tại Rome (Italy) vào năm 1960. Nhà khoa học Guttmann qua đời 20 năm sau đó, thọ 80 tuổi.

Theo bà Loeffler, ngay từ khi mới chỉ có một số ít các bệnh nhân ngồi trên xe lăn và thi đấu thể thao năm 1948, cha của bà đã phác thảo nên giấc mơ về một thế vận hội dành cho người khuyết tật, dù ý tưởng này có vẻ kỳ quặc vào thời điểm đó.

Bà Loeffler cho biết: "Mọi người đều nghĩ rằng ông ấy khá điên rồ. Đó là năm 1948, người tàn tật bị coi là công dân hạng hai. Nếu bạn ngồi trên xe lăn, bạn không thể xuống vỉa hè. Bạn phải có sự trợ giúp ở mọi nơi mà bạn không thể đi lại... Nhưng rõ ràng cha tôi là một người có tầm nhìn xa".

Bà Loeffler được đào tạo để trở thành một nhà vật lý trị liệu, làm việc một thời gian ngắn trong khoa của ông Guttmann và là tình nguyện viên hỗ trợ các cuộc thi do cha bà tổ chức. Bà Loeffler thừa nhận rằng sự nghiệp của bà là do cha bà lựa chọn. Mặc dù vậy, những kiến thức y khoa sau đó đã giúp bà làm việc với các nhóm thể thao xe lăn, kế thừa vai trò tổ chức trò chơi của ông Guttmann sau khi ông qua đời.

Kể từ Thế vận hội Stoke Mandeville thuở ban đầu, Paralympic đã phát triển vượt mức kỳ vọng và nhận được sự công nhận của toàn bộ thế giới để trở thành một giải thể thao ưu tú toàn cầu. Bà Loeffler cho biết: "Tôi nghĩ rằng cuộc thi này là một nguồn động lực lớn. Bởi, nếu bạn đang ngồi trên xe lăn - có thể là bạn đã bị tai nạn nào đó hay bị chấn thương tủy sống - bạn vẫn có thể thấy những đoạn ghi hình về các vận động viên ngồi trên xe lăn tranh tài. Đối với những người trẻ tuổi, đó sẽ là một mục tiêu tuyệt vời. Họ sẽ có thể nhận ra mình có thể làm gì và đặt mục tiêu để thực hiện điều đó. Tôi nghĩ đó thực sự là những gì mà Paralympic mang lại - nguồn cảm hứng và sự hy vọng". 

Công việc của ông Guttmann cũng đã truyền cảm hứng đến nhiều chuyên gia y tế trên khắp thế giới, trong số đó có bác sĩ phẫu thuật  Yutaka Nakamura - nhân vật chủ chốt trong công tác tổ chức Paralympic tại Nhật Bản năm 1964 - kỳ Paralympic đầu tiên được tổ chức tại "đất nước Mặt Trời mọc”.

Thanh Phương (TTXVN)
VĐV thành công nhất trong lịch sử các kỳ Paralympic
VĐV thành công nhất trong lịch sử các kỳ Paralympic

Cựu nữ kình ngư 57 tuổi, người Mỹ Trischa Zorn Hudson đang là người giữ kỷ lục tại các kỳ Paralympic.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN