Các chính trị gia Australia từ lâu đã sử dụng chính sách biên giới hà khắc cho các mục tiêu chính trị và đã đến lúc cần phải xem xét lại cách tiếp cận kiểu "pháo đài" này. Đây là nhận định của báo Deutsche Welle (Đức) ngày 9/1.
Theo Deutsche Welle (DW), trường hợp Djokovic, tay vợt tenis hàng đầu thế giới người Serbia bị giới chức Australia hủy visa vì hồ sơ miễn trừ y tế không hợp lệ, chỉ là nạn nhân mới nhất của trò chơi chính trị về kiểm soát biên giới. Điều này đang phơi bày sự hà khắc trong các chính sách biên giới của Australia.
DW cho rằng Chính quyền Australia đã đạt được một chiến thắng chính trị “kép” trong việc hạn chế Djokovic nhập vào phút cuối. Việc không tiêm phòng COVID-19 của Djokovic bị nhiều người coi là sự xúc phạm đối với những nỗ lực chống dịch COVID-19 của Australia, khi người dân nước này đã phải trải qua nhiều tháng phong tỏa liên tục và tiêm vaccine hàng loạt. Việc kiểm soát nhập cảnh như vậy sẽ luôn được ủng hộ.
Quyết định này có thể đã được đưa ra trước khi Djokovic đến Melbourne. Nhưng nó lại được công bố vào phút chót, cho phép nhà cầm quyền Australia giành chiến thắng chính trị thứ hai: Tạo ra một cuộc khủng hoảng nhỏ để đánh lạc hướng khỏi những sai sót của chính phủ nước này trong việc đối phó với đại dịch.
Trong nhiều thập kỷ, các chính trị gia Australia ở tất cả các đảng phái đã tận dụng những biện pháp kiểm soát biên giới của nước này như một công cụ thao túng chính trị và đánh lạc hướng khỏi những sai lầm trong nước.
Tay vợt Djokovic bị quản thúc tại khách sạn Park, cũng là nơi lưu giữ những người tị nạn hoặc xin tị nạn, vốn thường phải trải qua nhiều năm tù túng theo hệ thống nhập cư nghiêm ngặt của Australia.
Đối với một quốc gia của những người di cư như Australia, nỗi ám ảnh về việc kiểm soát biên giới này có vẻ không hợp lý. Nhưng nó đã ăn sâu vào văn hóa. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chính sách mang tính bản năng của Australia trong đại dịch là đóng cửa biên giới của mình mà không quan tâm đến vấn đề khác.