Khả năng kháng cáo để nhập cảnh thành công của Djokovic ‘rất mong manh’

Tay vợt nam số một thế giới Novak Djokovic có rất ít cơ hội thành công khi kháng cáo lệnh hủy visa của nhà chức trách Australia. Những vụ việc như vậy được giới luật sư Australia nhận định chỉ có tỉ lệ thành công “1 trên 100”.

Chú thích ảnh
Tay vợt Novak Djokovic thi đấu trong trận chung kết đơn nam giải Australia Mở rộng tại thành phố Melbourne, ngày 21/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Djokovic đến Australia vào đêm 5/1, sau đó bị giữ ở sân bay và được chuyển đến một khách sạn dành cho người bị quản thúc nhập cư ở Melbourne. Lực lượng chức năng Australia cho biết tay vợt người Serbia này không đủ điều kiện để nhập cảnh miễn cách ly.

Đội ngũ pháp lý của Djokovic trong tối ngày 6/1 đã ngay lập tức nêu khiếu nại pháp lý ra tòa đối với với quyết định hủy visa của Australia. Dự kiến vụ việc sẽ được đưa ra xem xét tại Tòa án Liên bang trong ngày 10/1 và từ nay đến thời điểm đó Australia không có kế hoạch trục xuất tay vợt nam số một thế giới. Nếu khiếu nại thành công, Djokovic sẽ có được visa nhập cảnh vào Australia và không bị cách ly.

Chưa tiếp cận được đơn xin miễn trừ chính thức của Djokovic, nhưng luật sư tranh tụng chuyên về nhập cư Angel Aleksov cho rằng gần như không có cơ hội để tay vợt người Serbia đáp ứng các yêu cầu của chính phủ Australia về miễn trừ cách ly dựa trên luận điểm đã nhiễm COVID-19 trước đó.

Để có được miễn trừ dạng này, những du khách như Djokovic trước khi nhập cảnh vào Australia phải cung cấp bằng chứng về đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong 6 tháng qua, cùng với đó là dự kiến kế hoạch tiêm vaccine khi đủ điều kiện. Bộ trưởng Nội vụ Australia Karen Andrews ngày 7/1 khẳng định, Djokovic bị từ chối nhập cảnh là do vấn đề hồ sơ, chứ không phải là câu chuyện về thị thực (visa).

“Miễn trừ không phải là khe hở để những người không muốn tiêm chủng vượt qua. Miễn trừ đó là dành cho những người có hệ miễn dịch cần có thời gian hồi phục sau đã mắc COVID-19 đến khi đủ điều kiện tiêm chủng. Kế đến là xét nghiệm PCR được thực hiện ở Serbia. Nếu có kết quả xét nghiệm, Djokovic có thể trình Lực lượng Biên phòng Australia. Nếu không trình được, có thể coi xét nghiệm kia là không tồn tại trên thực tế”, ông Aleksov nói.

David Prince, luật sư hàng đầu về di trú và là trưởng văn phòng công ty luật Kinslor Prince Lawyers tại Sydney cũng cho rằng “trong 100 vụ việc bị từ chối nhập cảnh tại sân bay chỉ có một vụ khiếu nại thành công. Các quy định về luật được áp dụng theo hướng thiên về ủng hộ quyết định của chính phủ trong những vấn đề như vậy”.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Finacial Review)
Vụ 'giam giữ' ngôi sao quần vợt Djokovic trở thành vấn đề chính trị ở Australia
Vụ 'giam giữ' ngôi sao quần vợt Djokovic trở thành vấn đề chính trị ở Australia

Trên sân quần vợt, thời điểm của Novak Djokovic là hoàn hảo. Nhưng khi anh ấy đến Australia tham dự giải Grand Slam đầu tiên trong năm mà không tiêm vaccine COVID-19, đó chắc chắn là một trải nghiệm khó có thể tồi tệ hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN