“Vỡ sân”, nên mừng hay lo?

Giải bóng đá Toyota V.League 2015 đã chính thức khai cuộc. Theo thống kê của Ban tổ chức giải, trung bình mỗi trận đấu thu hút khoảng 7.000 khán giả tới sân, một con số được đánh giá là lạc quan cho một mùa giải mới... Nhưng thật tiếc, sân Pleiku trong ngày khai màn đã “bị vỡ” vì quá tải, khi hàng ngàn người tràn cả xuống đường piste, khiến lực lượng bảo vệ và Ban tổ chức sân phải thót tim

Cần phải khẳng định, chuyện “vỡ sân”, để khán giả tràn xuống đường piste ở sân Pleiku chiều 4/1 là một sự cố đáng tiếc. Theo điều lệ giải, thì ban tổ chức sân sẽ phải chịu phạt và đội chủ sân sẽ bị xử thua cuộc.

Còn nhớ, năm 2003, trận chủ nhà Nam Định gặp Hoàng Anh Gia Lai trên sân Chùa Cuối (giờ là sân Thiên Trường) từng bị “vỡ sân” khi hàng nghìn khán giả trèo lên giàn giáo quanh sân, tràn xuống đường piste để gây sức ép với đội khách, làm trận đấu phải hoãn lại nhiều giờ. Tại V.League 2007, CLB Thanh Hóa từng bị xử thua 0-3 trong trận gặp Đà Nẵng (dù trận đấu có kết quả hòa 1-1). Ở trận đấu đó, hàng nghìn cổ động viên cũng tràn xuống đường piste uy hiếp các cầu thủ đội khách và tổ trọng tài. Sân Vinh cũng từng chứng kiến nhiều vụ vỡ sân, điển hình là các trận Sông Lam Nghệ An tiếp Thể Công và Hải Phòng mùa giải năm 2008.

Còn với sân Pleiku, đây không phải là lần đầu sân này bị “vỡ”, mà chuyện tương tự đã từng xảy ra tại giải U.21 quốc tế năm 2012.

Chuyện sân Pleiku bị “vỡ” để khán giả tràn xuống sân, có thể là do sân quá nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của người hâm mộ. Nhưng có thực tế không thể bao biện, đó là công tác tổ chức trận đấu có gì đó bất ổn. Không thể đặt vấn đề là xem trận đấu đã “vỡ” hẳn chưa để làm căn cứ để xử lý, mà là ở thái độ của Ban tổ chức giải và Ban tổ chức sân. Theo phản ánh của dư luận, trận đấu được cảnh báo rất “nóng” bởi trước trận đấu vài giờ đồng hồ, đã có khoảng 30.000 đến 40.000 cổ động viên kéo đến khu vực sân, tức là gấp 3 lần sức chứa thực tế của sân. Nếu ngay từ thời điểm đó, Ban tổ chức dự báo trước được tình hình, huy động thêm lực lượng bảo vệ, có lẽ đã không xảy ra tình trạng quá tải. Cũng thật may mắn, trận đấu đã diễn ra suôn sẻ, không có sự cố đáng tiếc tiếp theo.

Cần phải thấy rằng, để xảy ra sự cố, Ban tổ chức sân là có lỗi đầu tiên và phải chịu trách nhiệm. Thực tế, hầu hết các sân vận động ở Việt Nam hiện nay đều không đáp ứng được các điều kiện nhằm bảo đảm an toàn, an ninh cho trận đấu. Có ý kiến cho rằng, sự việc xảy ra ở sân Pleiku chiều 4/1, nếu không được Ban tổ chức giải xử lý nghiêm khắc, nó sẽ tạo tiền lệ xấu với bóng đá Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra, nếu sự việc ở sân Pleiku bị làm ngơ, thì Ban tổ chức giải sẽ xử lý thế nào nếu các sân khác cũng để xảy ra tình trạng tương tự?

Vẫn biết, khán giả không quay lưng với bóng đá nội là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng với cung cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp, không tuân thủ luật, thiếu bình đẳng (có ý kiến cho rằng, vì “bầu” hiện là Phó Chủ tịch VFF nên đội bóng của ông thoát tội), thì e rằng những quy định được chính những người trong cuộc đặt ra không sớm thì muộn sẽ bị “nhờn”. Bởi không ai có thể bảo đảm, từ nay đến hết mùa giải sẽ không có những cổ động viên quá khích, không có những trận đấu “có vấn đề” và khi đó, hệ quả sẽ thật khó lường.

Yến Nhi
.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN