Những tấm huy chương này không chỉ mang vinh quang cho chính đất nước họ mà còn là sự thành công khẳng định nỗ lực của bản thân được đền đáp xứng đáng dành cho các vận động viên sau một quá trình dài rèn luyện đẫm mồ hôi và nước mắt.
Cung thủ An San, người đã giành được ba HCV (gồm 2 HCV các nội dung đồng đội và 1 HCV cá nhân) tại Olympic Tokyo sẽ kiếm được bao nhiêu tiền thưởng đang trở thành chủ đề bàn tán tại Hàn Quốc.
Theo thông báo trước đó của Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao, Chính phủ Hàn Quốc sẽ trao 63 triệu won (55.000 USD) cho những người đoạt HCV các nội dung cá nhân, 35 triệu won cho người đoạt HCB và 25 triệu won cho người đoạt HCĐ.
Những người giành được huy chương trong các nội dung đồng đội sẽ nhận được 75% số tiền thưởng dành cho người giành huy chương cá nhân.
Ngoài ra, Hiệp hội Bắn cung Hàn Quốc quyết định dành 200 triệu won tiền thưởng cho HCV trong các nội dung cá nhân và 150 triệu won cho nội dung đồng đội. Như vậy, với 3 HCV nói trên, cung thủ An San đã nhận được 150 triệu won từ chính phủ và 500 triệu won từ hiệp hội bắn cung.
Ngoài các chính sách tiền thưởng, Tổ chức xúc tiến thể thao Hàn Quốc trả tiền trợ cấp hàng tháng cho các vận động viên giành huy chương dựa trên số điểm họ kiếm được tại Thế vận hội.
Một huy chương vàng Olympic được đánh giá là 90 điểm, tiếp theo là 70 điểm cho bạc và 40 cho đồng, cùng với số điểm cộng thêm cho những người đoạt huy chương. Những người giành được hơn 100 điểm được phép nhận tiền bằng một khoản tiền trọn gói.
Theo cách tính trên, cung thủ An San sẽ nhận được tổng cộng 306 điểm, theo đó nhận được tiền thưởng trọn gói là 100 triệu won và khoản thanh toán hàng tháng là 1 triệu won. Tổng cộng, vận động viên này sẽ nhận được 750 triệu won từ ba tổ chức.
Những tấm huy chương vinh quang cũng mang đến cho các vận động viên thể hình của Hàn Quốc nguồn thu béo bở.
Vận động viên Shin Jea-hwan, người giành được HCV ở nội dung nhảy cầu nam, sẽ nhận được 100 triệu won cho màn trình diễn của mình, do Hiệp hội Thể dục dụng cụ Hàn Quốc trao tặng, ngoài khoản tiền của chính phủ và điểm huy chương theo quy định của thể thao nước nhà.
Tập đoàn POSCO, nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc và là nhà tài trợ của hiệp hội thể dục dụng cụ, đã quyết định tài trợ thêm 200 triệu won cho vận động viên giành HCV.
Trong khi đó, vận động viên giành HCĐ nội dung nhảy cầu Yeo Seo-jeong dự kiến sẽ kiếm được tổng cộng 45 triệu won tiền thưởng, nhưng tổng số tiền nữ vận động này dự kiến nhận được sẽ còn được tăng khi Hiệp hội thể dục dụng cụ đang xem xét tặng thêm tiền thưởng cho vận động viên này, ghi nhận Yeo trở thành nữ vận động viên thể dục dụng cụ Hàn Quốc đầu tiên đứng trên bục vinh quang Olympic.
Điều đáng nói, không chỉ những người đạt huy chương mới được nhận phần thưởng bằng tiền mà những người đạt được cột mốc quan trọng trong sự thể thao của họ cũng được thưởng.
Vận động viên bơi lội Hwang Sun-woo, người lần lượt về thứ năm và thứ bảy trong trận chung kết 100m và 200m tự do nam, sẽ được Liên đoàn Bơi lội Hàn Quốc thưởng 10 triệu won cho các kỷ lục châu Á và Hàn Quốc mới của mình.
Trong khi đó, Liên đoàn điền kinh Hàn Quốc cho biết họ sẽ trao 20 triệu won cho vận động viên nhảy cao Woo Sang-hyeok, người đã phá vỡ kỷ lục của chính mình, tại Thế vận hội Tokyo. Tại chung kết nội dụng nhảy cao nam, anh đạt thành tích 2,35m, về thứ Tư. Tuy không giành được huy chương nhưng đây là thành tích cao nhất tại các giải đấu Olympic mà vận động viên điền kinh của Hàn Quốc đạt được.
Câu chuyện về khoản tiền thưởng kèm theo huy chương sẽ vẫn còn đó khi Olympic Tokyo vẫn đang tiếp diễn với những màn tranh tài và tiếp theo đó là Paralympic Tokyo 2020.