Đã 20 năm sau HCV của võ sỹ taekwondo Hồ Nhất Thống tại Asiad 1998, thể thao Việt Nam chưa thể giành thêm HCV môn Olympic nào ở sân chơi lớn nhất châu Á.
Theo ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam, chia sẻ, tại Asiad này, mục tiêu của đoàn Việt Nam là phải giành bằng được HCV ở những môn thể thao Olympic. Nếu không có vàng ở những môn Olympic, xem như chúng ta vẫn chưa thành công ở đại hội thể thao lớn nhất châu Á. Việt Nam đã có những bước chuẩn bị kỹ càng cho cuộc tranh tài ở đại hội thể thao lớn nhất châu lục.
Asiad 18 tới là kỳ đại hội mà thể thao Việt Nam tham dự với số lượng đông đảo nhất với 523 thành viên, song cũng "gánh" chỉ tiêu nặng nhất là 3 - 5 HCV. Đấu trường Asiad là rất khốc liệt bởi quy tụ nhiều VĐV hàng đầu thế giới từ các cường quốc thể thao châu lục như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Chính bởi vậy, đây thực sự là chỉ tiêu khó với các VĐV Việt Nam.
Bên cạnh những hy vọng vàng ở nhóm nội dung thi đấu Olympic, các đội tuyển như wushu, pencak silat, xe đạp… cũng được nhận định là những hy vọng tranh đoạt HCV của thể thao Việt Nam trên đất Indonesia trong những ngày tới.
Đại hội sẽ có tổng cộng 40 bộ môn, bao gồm tất cả 33 môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu tại Thế vận hội (Olympic) 2020 ở Tokyo, Nhật Bản bên cạnh các môn thể thao phổ biến khác ở châu Á như các môn võ thuật, cầu mây, kabaddi và dù lượn.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Dẫu phong độ khá thất thường, nhưng không thể không nhắc đến Hoàng Xuân Vinh một trong những gương mặt được kỳ vọng hàng đầu mang về HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Xạ thủ này đang là ngôi sao số 1 của TTVN và cả châu Á khi giành 1 HCV và 1 HCB Olympic cách đây 2 năm tại Brazil. Tại Asiad lần này, nước chủ nhà đã cắt mất nội dung 10m súng ngắn hơi mà Xuân Vinh từng đoạt HCV Olympic, nên xạ thủ quân đội này chỉ có thể tranh tài ở nội dung 50m súng ngắn hỗn hợp.
Đối thủ của Xuân Vinh là các xạ thủ của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Nga... Trong đó, nổi bật nhất là Quán quân Olympic người Hàn Quốc Jin Jong-Oh. Cơ hội giành vàng của Xuân Vinh vì thế sẽ gian nan hơn rất nhiều.
“Kình ngư” Nguyễn Thị Ánh Viên
Hơn 10 năm trước, những người làm thể thao vẫn chưa dám nghĩ có ngày bơi Việt Nam sẽ tranh đoạt HCV tại Á vận hội, nhưng sau 2 chiếc HCĐ do Ánh Viên đoạt được ở cự ly 200m ngửa và 400m hỗn hợp ở kỳ đại hội cách đây 4 năm tại Incheon, niềm hy vọng ấy càng lớn dần. Ánh Viên đang bước vào giai đoạn chín muồi của sự nghiệp tiếp tục được hứa hẹn sẽ tạo nên những kỷ lục mới cho bơi Việt Nam. Với những sự tập trung đầu tư khi đưa Ánh Viên sang tập huấn dài hạn tại Mỹ suốt thời gian qua, người hâm mộ đang hy vọng “tiểu tiên cá” sẽ làm nên kỳ tích cho bơi lội Việt Nam.
“Nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thu Thảo
Sau chiếc HCV đoạt được tại giải vô địch châu Á 2018 tại Iran, người hâm mộ Việt Nam đang rất kỳ vọng Bùi Thu Thảo sẽ đăng quang ở nội dung nhảy xa môn điền kinh tại Asiad lần này. Tại Đại hội trên đất Hàn Quốc cách đây 4 năm, Thu Thảo đã giành HCB với thành tích 6,44m, còn VĐV Indonesia Maria Londa đoạt HCV với thành tích 6,55m. Tại SEA Games 28, Thu Thảo một lần nữa bị Maria Londa vượt mặt. Tuy nhiên, tới SEA Games 29, cô gái quê Ba Vì đã xuất sắc giành HCV cùng thành tích xuất sắc 6,68m, hơn thành tích HCV Asiad tới 13cm. Chỉ cần giữ được phong độ này, cơ hội đổi màu huy chương của cô gái có biệt danh “Thảo bò vàng” ở Á vận hội là rất lớn.
Theo kế hoạch, lễ xuất quân của đoàn thể thao Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 9/8 tại Hà Nội. Sau đó ngày 14/8, đại quân của đoàn Việt Nam sẽ chính thức lên đường sang Indonesia. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Asiad 18 tại Indonesia với 523 thành viên, trong đó có 352 tuyển thủ sẽ tranh tài ở 32 môn thi đấu với mục tiêu giành từ 3 - 5 HCV.