Trả lời phỏng vấn báo giới, Chand chia sẻ "Tôi quá hạnh phúc. Tôi đã bỏ lỡ ASIAD 2014 do hội chứng hyperandrogenism, vì vậy đây là cơ hội để chứng minh giá trị của tôi. Tôi hy vọng sự cố gắng của tôi sẽ được đền đáp. Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc. Ước mơ của một vận động viên luôn là đại diện cho đất nước của mình và điều đã xảy ra không phải là lỗi của tôi". Vận động viên 22 tuổi này cho biết thể thao là hy vọng cho cô và gia đình thoát khỏi nghèo khó. Cô cho biết hội chứng này đã từng khiến cô bị áp lực tinh thần khủng khiếp và không thể tập trung vào việc luyện tập.
Năm 2014, sau khi được phát hiện mắc hội chứng hyperandrogenism, Chand bị cấm thi đấu theo quy định của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF). Tuy nhiên, Chand đã đưa vụ việc của mình lên Tòa Trọng tài Thể thao và chiến thắng trong vụ kiện. Huấn luyện viên của Chand, Ramesh Nagapuri cho rằng các vận động viên khó có thể tìm lại sự dẻo dai và nhanh nhẹn sau thời gian nghỉ dài song Chand đã sẵn sàng trở lại cuộc đua.
Tham gia giải vô địch điền kinh Ấn Độ hồi tháng 6 vừa qua, Chand đã xác lập kỷ lục quốc gia với thành tích 11 giây 29 ở cự ly 100 mét. Tuy kết quả này vẫn cách xa so với kỷ lục châu Á 10 giây 79 mà vận động viên Li Xuemei của Trung Quốc đạt được năm 1997, Chand vẫn hy vọng sẽ giành được 1 tấm huy chương.
Mặc dù năm nay, IAAF đã siết chặt hơn quy định đối với nữ vận động viên điền kinh có chỉ số testosterone cao chạy cự ly trung bình với những bằng chứng cho rằng họ có lợi ở các cự ly từ 400 mét đến 1.600 mét. Quy định này không ảnh hưởng đến tư cách thi đấu của Chand do cô tham gia ở cự ly 100 mét và 200 mét.