ASIAD 2018: Pencak Silat Việt Nam mơ giành Vàng

Pencak Silat là môn thể thao vốn lâu nay được xem là “mỏ vàng” của Thể thao Việt Nam, không hề kém cạnh Indonesia ở đấu trường khu vực.

Chú thích ảnh
Pencak Silat là môn thể thao vốn lâu nay được xem là “mỏ vàng” của Thể thao Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Với ưu thế sân nhà, Indonesia đã chính thức đưa môn võ truyền thống của họ vào ASIAD với hy vọng có thêm Huy chương Vàng (HCV). Việt Nam cũng có thế mạnh môn võ này và đây được xem là cơ hội rất tốt, có thể tạo thêm cú hích cho thể thao nước nhà.

Pencak Silat là môn thể thao vốn lâu nay được xem là “mỏ vàng” của Thể thao Việt Nam, không hề kém cạnh Indonesia ở đấu trường khu vực. Không chỉ tại SEA Games, Việt Nam cũng "làm mưa làm gió" với môn võ này ở Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á… Và đến Đại hội châu lục năm nay, Pencak Silat từ chỗ “ngồi nhà xem TV” giờ đang mang sứ mệnh giành HCV cho thể thao nước nhà.

Vấn đề hiện tại với đội tuyển Pencak Silat Việt Nam là sự lớn mạnh của môn thể thao này. Những quốc gia có nền thể thao mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... đã đầu tư lớn cho Pencak Silat thời gian qua và đang có khoảng 25 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á có môn võ thuật này. Sức ép cạnh tranh đương nhiên sẽ khó khăn hơn cho Việt Nam. Vì vậy, để chuẩn bị cho ASIAD 2018, các VĐV đã được tham dự Giải vô địch Pencak Silat châu Á 2017 và giành 8 HCV.

Nhưng tại ASIAD 2018, do Ban tổ chức hạn chế nội dung nên đội tuyển Việt Nam chỉ tham dự với 8 võ sĩ nội dung biểu diễn và 10 võ sĩ đối kháng. Mục tiêu của đội tuyển là giành ít nhất 1 HCV. Vì có quá nhiều nội dung Seni biểu diễn, nơi huy chương được đo bằng cảm tính của trọng tài nên rất khó cho Việt Nam. Bên cạnh đó, những trận đấu đối kháng ở môn võ này trong quá khứ cũng liên tiếp xảy ra “sự cố” ở các kỳ SEA Games trước nên tất cả các quốc gia tham dự chỉ hy vọng vào sự... công bằng tương đối cho võ sĩ nước mình tranh tài.

Hy vọng của đội tuyển được trông cậy nhiều nhất vào nội dung biểu diễn đồng đội nữ (HCV SEA Games 29) thay vì nội dung cá nhân và đôi - vốn luôn là sở trường của các VĐV chủ nhà Indonesia. Vấn đề như đã đề cập đáng lo ngại nhất từ trước đến nay vẫn là... trọng tài.

Ở SEA Games 2011 tại Indonesia, sự cố bi hài xảy ra khi võ sĩ Dian Kristanto của chủ nhà chỉ chạy, núp và... cắn đối thủ vẫn được trao HCV. Còn tại SEA Games năm 2017 ở Malaysia, chính Pencak Silat Việt Nam cũng uất nghẹn vì bị thua cả 4 trận chung kết vì những trọng tài xử ép trắng trợn. Môn thể thao này có đặc trưng là trọng tài nắm quyền “sinh sát” trong tay nên rất khó thay đổi kết quả.

Một tình huống khác từng xảy đến là võ sĩ người Thái Lan ngồi lặng người ở sàn đấu, không chịu ra sau khi lỡ đánh VĐV Indonesia bị thương. Kết quả trọng tài xử thua và mất HCV, dù võ sĩ này mạnh hơn võ sĩ chủ nhà. Nhưng ngay sau đó, võ sĩ Phạm Tuấn Anh bị đối thủ đánh ngã gãy tay, và phải đi thẳng vào bệnh viện nhưng rồi trọng tài tuyên bố VĐV chủ nhà thắng để giành HCV.

Mục tiêu vẻn vẹn một tấm HCV ASIAD 2018 ở môn võ vốn là “mỏ vàng” của Thể thao Việt Nam được nhận định là mong manh cũng là vì thế.

TTXVN/Báo Tin tức
U23 Hàn Quốc quá mạnh, U23 Việt Nam cần làm gì để tránh gặp ở vòng 1/8 ASIAD?
U23 Hàn Quốc quá mạnh, U23 Việt Nam cần làm gì để tránh gặp ở vòng 1/8 ASIAD?

Phải đối đầu với U23 Hàn Quốc quả thật là một thử thách lớn đối với thầy trò HLV Park Hang Seo. Làm sao để tránh được U23 Hàn Quốc là bài toán khó đối với U23 Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN