Điền kinh, Aerobic: Trăn trở đào tạo vận động viên trẻ

Nếu như Điền kinh luôn là môn mũi nhọn của Thể thao Việt Nam trong thời gian gần đây, thì Aerobic là môn thể thao đang dần có những bước tiến mạnh mẽ trong thi đấu quốc tế. Điểm qua công tác đào tạo vận động viên trẻ của hai trong số nhiều môn thể thao trọng điểm của Thể thao Việt Nam để thấy kết quả của những nỗ lực là những tấm huy chương quý giá mang về cho đất nước.

Lứa thế hệ trưởng thành từ chương trình đào tạo trẻ

Chú thích ảnh
Điền kinh đang dần trở thành môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ về công tác đào tạo trẻ của Điền kinh, Tiến sĩ Dương Đức Thủy - Phụ trách bộ môn Điền kinh -Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: Từ sau khi Điền kinh Việt Nam giành chiếc HCV đầu tiên tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 18 năm 1995 (Chiang Mai, Thái Lan) của Vũ Bích Hường ở nội dung 100m rào, công tác đào tạo trẻ đã được chú trọng. Tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) năm 2003 tổ chức tại Việt Nam, chúng ta đã có những bước tiến nhảy vọt về số lượng huy chương và chất lượng các tấm huy chương.

Thành tích mà Điền kinh Việt Nam có được hôm nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các VĐV trẻ tiêu biểu như: Nguyễn Thị Tĩnh, Vũ Thị Hương (cự ly ngắn), Nguyễn Lan Anh, Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương (cự ly trung bình), Bùi Thị Nhung, Nguyễn Thị Ngọc Tâm, Nguyễn Duy Bằng (nhảy cao)... Đây đều là các VĐV mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi vào thời điểm năm 2003, 2005. Lứa VĐV này chính là kết quả của việc thực hiện hiệu quả “Chương trình mục tiêu quốc gia về thể thao” - kế hoạch chuẩn bị lực lượng vận động viên cho SEA Games 22, năm 2003 tại Việt Nam.

Cũng trong giai đoạn từ 1995 - 2002, nhiều địa phương đã xuất hiện những VĐV trẻ xuất sắc như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quân đội, Hà Tây, Thanh Hoá, Thái Nguyên... Công tác đào tạo trẻ đã mang lại hiệu quả rõ rệt và được minh chứng qua thành tích mà các VĐV trẻ đạt được tại các giải đấu trong nước cũng như khu vực.

Từ đó đến nay, những lứa VĐV kế cận như Bùi Thị Thu Thảo, Nguyễn Mạnh Hùng (nhảy xa - 3 bước),  Quách Công Lịch, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền (400m và 400m rào), Nguyễn Thị Oanh, Khuất Phương Anh (cự ly trung bình)... cũng đã không ngừng nỗ lực để nâng cao hơn nữa vai trò của Điền kinh Việt Nam tại những đầu trường thể thao danh tiếng của khu vực và châu lục.

Đặc biệt là trong hai kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây, Điền kinh Việt Nam đã tạo nên dấu ấn đặc biệt. Tại SEA Games 29, lần đầu tiên trong lịch sử,  Điền kinh Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để xếp vị trí thứ Nhất toàn đoàn, với tỷ số chênh lệch HCV so với đối thủ là 17 - 9. Và 2 năm sau đó, tại SEA Games 30 ở Philippines, Điền kinh Việt Nam lại một lần nữa thi đấu xuất sắc để đứng ở ngôi Vương với 16 HCV. Có được thành công này, phải kể tới sự góp mặt của một số gương mặt trẻ, tài năng như: Trần Nhật Hoàng (giành 3 HCV cá nhân và đồng đội), Nguyễn Thị Hằng (2 HCV đồng đội), Phạm Thị Thu Trang (HCV 10.000m đi bộ)... hay một Phạm Thị Huệ ấn tượng trên đường chạy 10.000m.

“Thậm chí, trước đây chưa có nhà chuyên môn nào dám nghĩ rằng Điền kinh Việt Nam sẽ có các VĐV đạt chuẩn tham dự giải Vô địch Trẻ Điền kinh thế giới, nhưng chúng ta đã làm được điều đó vào năm 2018, khi các VĐV Cao Võ Ngọc Long đã nhảy 2m16 - đạt chuẩn Vô địch Trẻ thế giới” - Tiến sĩ Dương Đức Thủy tự hào chia sẻ.

Aerobic là môn thể thao được ưa chuộng ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, môn thể thao này nhiều năm trước chỉ thực sự phát triển ở tầng phong trào, song những năm trở lại đây Aerobic Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ ở thể thao thành tích cao và trở thành một trong những môn thể thao thế mạnh của đoàn Thể thao Việt Nam tại các sự kiện thể thao quốc tế lớn.

Aerobic cũng có hệ thống đào tạo trẻ khá tốt, bởi môn thể thao này được cho là phù hợp với giới trẻ cũng như không quá tốn kém ở đầu tư ban đầu.

Chú thích ảnh
Việc đưa vào hệ thống giáo dục thể chất trong trường học giúp Aerobic ngày càng phát triển ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Được du nhập vào Việt Nam từ năm 1994 tại TP Hồ Chí Minh, Aerobic nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tích cực của giới trẻ. Nhìn lại những việc làm được trong đào tạo trẻ của Aerobic, bà Phan Thùy Linh - Phụ trách môn Aerobic, Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: Đối với môn Aerobic, hiện tại mô hình xã hội hóa và phát triển phong trào Aerobic tại TP Hồ Chí Minh đang được các nhà chuyên môn, quản lý lấy làm mô hình điểm để chia sẻ kinh nghiệm và phát triển cho các tỉnh, thành khác. Đó chính là: phối hợp với Giáo dục thể chất, đưa Aerobic vào các trường học; tổ chức nhiều giải thi đấu phong trào ở các quận, huyện, các giải thi đấu trong hệ thống giáo dục.

Từ những giải thi đấu phong trào đó, các chuyên gia sẽ tuyển chọn VĐV trẻ cho đội tuyển tỉnh thành các tuyến và sẽ là việc gieo hạt đầu tiên của việc ươm mầm tài năng cho đội tuyển quốc gia. Có lẽ chính vì cách làm mang tính hệ thống này ngay từ tuyến cơ sở nên lực lượng VĐV khi được tuyển chọn vào tuyển trẻ quốc gia đều nhận được sự đánh giá rất cao từ giới chuyên môn, ban huấn luyện. Cùng với đó, các em có ý thức rèn luyện, tập luyện nghiêm túc, và luôn thể hiện được say mê, tài năng của mình. Chính vì thế công tác huấn luyện diễn ra khá thuận lợi, đảm bảo đúng giáo án, kế hoạch đề ra.

“Bên cạnh đó, công tác huấn luyện VĐV Aerobic thời điểm ban đầu không quá tốn kém về đầu tư trang thiết bi, dụng cụ tập luyện nên được nhiều địa phương lựa chọn đầu tư phát triển. Đây là thuận lợi rất lớn thúc đẩy môn Aerobic phát triển từ tuyến trẻ đến tuyển quốc gia” - bà Phan Thùy Linh vui mừng nhận xét.

Đào tạo trẻ: Cần đầu tư đồng bộ

Những kết quả cụ thể trên phần nào cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo trẻ trong thể thao. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, công tác đào tạo trẻ của đặt ra nhiều bài toán khó đối với những người làm công tác chuyên môn.

Cụ thể, với điền kinh, trong giai đoạn 1993 - 2003, ngành Thể dục thể thao đã được Chính phủ phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về thể thao” nhằm gấp rút chuẩn bị nguồn nhân lực cho SEA Games 22 tại Việt Nam. Nhờ nguồn kinh phí này mà thể thao nói chung và Điền kinh nói riêng đã có đủ lực để mạnh dạn đầu tư cho lực lượng trẻ.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc chương trình này thì chúng ta không còn nguồn nào nữa. Do đó việc đào tạo trẻ cũng vì thế mà bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt là trong bối cảnh các địa phương cũng bị cắt giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh, cắt giảm biên chế… nên việc tiếp nhận thêm huấn luyện viên, bổ sung lực lượng VĐV của địa phương bị sụt giảm nghiêm trọng.

Chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao đã được triển khai, tuy nhiên chưa mạnh mẽ và triệt để. Những khó khăn đến từ nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan như: vấn đề kinh phí, đội ngũ huấn luyện viên giỏi chuyên môn chưa nhiều, sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương chưa đồng đều và còn nhiều các vấn đề liên quan như: chế độ, chính sách và đặc biệt là tính khoa học trong công tác đào tạo, huấn luyện... Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục thể chất ở các cấp học từ Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông còn chưa bài bản.

Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạnh khoa học công nghệ 4.0 thì việc ứng dụng công nghệ vào công tác đào tạo, huấn luyện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nếu chúng ta hạn chế ở lĩnh vực này thì không những công tác huấn luyện, đào tạo không được đảm bảo mà VĐV của chúng ta còn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và tuổi thọ nghề nghiệp.

Với những khó khăn này, theo Tiến sĩ Dương Đức Thủy cho biết: Trong quá trình gọi các VĐV trẻ lên tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, đa phần các huấn luyện viên phải làm lại gần như từ đầu: từ rèn thể lực, kỹ thuật, kỹ năng vận động… do sự đầu tư cho các VĐV trẻ ở địa phương cũng chưa cao.

“Thực tế trên không chỉ ở môn Điền kinh mà ở nhiều môn thể thao khác cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Vấn đề khó khăn nhất trong công tác đào tạo trẻ theo tôi đó là sự chưa đồng bộ thể hiện rõ từ hạ tầng cơ sở vật chất tới nguồn nhân lực chuyên môn cao, chưa đồng bộ từ địa phương đến trung ương trong công tác huấn luyện, đào tạo. Bên cạnh đó, công tác đào tạo và hệ thống tuyển chọn cũng còn nhiều bất cập”  - ông Dương Đức Thủy tâm tư.

Chú thích ảnh
Aerobic Việt Nam luôn gặt hái được những thành công ở những giải đấu quốc tế. Ảnh: TCTDTT

Để có được thành công như ngày hôm nay, Aerobic Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tuyển chọn và đào tạo VĐV. Theo bà Phan Thùy Linh, do điều kiện kinh phí dành cho đội tuyển quốc gia còn khá hạn hẹp, nên hàng năm các VĐV không thể tham gia các chuyến tập huấn đều đặn.

Nhìn lại khó khăn cũng là lúc ngành Thể thao Việt Nam quyết tâm vượt khó cho các mục tiêu lớn. Theo Tiến sĩ  Dương Đức Thủy, để giải bài toán khó cho công tác đào tạo trẻ trong điền kinh, cần phải "liệu cơm gắp mắm". Chúng ta sẽ triển khai những giải pháp trong khả năng mà chúng ta có thể để làm sao đưa ra được lời giải tốt nhất. Cụ thể, Liên đoàn Điền kinh cùng với Bộ môn Điền kinh đã, đang nỗ lực hết mình nhằm đưa ra những giải pháp hữu hiệu như: xây dựng kế hoạch đào tạo lâu dài, có tính chiến lược; mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho huấn luyện theo từng chuyên đề; tổ chức các buổi Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà chuyên môn... để công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ tiếp tục phát huy được hiệu quả, hướng tới mục tiêu ở bất cứ thời điểm nào, Điền kinh Việt Nam luôn có một lực lượng VĐV hùng hậu, đầy tài năng, sẵn sàng tham dự các giải đấu trong nước cũng như quốc tế.

“SEA Games 31 năm 2021 là cơ hội và cũng là thách thức đối với môn Aerobic Việt Nam nhưng với quyết tâm, đam mê, nhiệt huyết, giới chuyên môn tin tưởng đội tuyển Aerobic Việt Nam có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Không gì hạnh phúc hơn khi được tỏa sáng trên chính đất nước, mình, đó không chỉ là ước mơ của các VĐV tuyển Aerobic Việt Nam mà còn của nhiều VĐV ở các môn thể thao khác nữa” - người phụ trách môn Aerobic thể hiện rõ quyết tâm.

L. Sơn/Báo Tin tức
Trao thưởng cho các vận động viên Điền kinh Việt Nam giành thành tích cao tại SEA Games 30
Trao thưởng cho các vận động viên Điền kinh Việt Nam giành thành tích cao tại SEA Games 30

Chiều 22/12, tại Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam, Báo Tiền Phong và Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã phối hợp tổ chức lễ trao thưởng cho các vận động viên đội tuyển Điền kinh Việt Nam thi đấu giành thành tích xuất sắc tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 30 năm 2019 (SEA Games 30).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN