Có những lần bị ốm sốt cao, các đồng đội và người huấn luyện vẫn thấy Phan Thị Hà Thanh âm thầm miệt mài trên sân tập. Thanh vẫn thường nói đùa: “tập để ra mồ hôi cho khỏi ốm, chẳng cần thuốc men”. Với sự nỗ lực, hy sinh hết mình cho tập luyện, Thanh đã vươn tới đỉnh vinh quang và trở thành vận động viên đoạt nhiều huy chương nhất của đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 26 (3 huy chương vàng và 1 huy chương đồng).
VĐV Phan Thị Hà Thanh tỏa sáng tại SEA Games 26 |
Cô gái 20 tuổi đến từ Bến Bính, thành phố Hải Phòng tâm sự: con đường đến với môn thể dục dụng cụ như một sự tình cờ. Bố đi làm xa, không có ai trông nên gửi Thanh vào Trung tâm Đào tạo vận động viên sân vận động Lạch Chay (TP Hải Phòng) khi vừa 6 tuổi. Đến nay, khi vững bước, Thanh vẫn nhớ như in buổi đầu mới bước vào nghề, cùng với sự ngây ngô của trẻ thơ, đã có lần trốn tập vì chịu không nổi sự đau đớn. Tuy nhiên, với sự động viên của bố mẹ, sự nhiệt tình của các thầy, cô trong ban huấn luyện Thanh đã đi tập trở lại. Sở trường Thanh đã bộc lộ khá sớm, khi trong khóa học 30 người thì chỉ có mình Thanh theo được giáo án và phấn đấu đến ngày nay.
Chị nhớ lại lần đầu tiên tham gia đấu trường quốc tế tại Bỉ, nhìn thấy các vận động viên trên thế giới càng tự tin bao nhiêu thì Thanh lại thấy mình tự ti bấy nhiêu và có lần đã xin bỏ cuộc. Màu cờ sắc áo trên vai đã thôi thúc Thanh luyện tập nhiều, học các động tác mới, động tác khó của các vận động viên trong và ngoài nước.
Môi trường rèn luyện căng thẳng (ngày tập 8 tiếng, có hôm tới 12 tiếng), đầy nguy hiểm (thường xuyên xảy ra chấn thương) đã tạo cho Hà Thanh bản lĩnh vững vàng. Chị nói: “giờ đây khi đứng trước đối thủ mạnh, em thường rất tự tin và bình tĩnh”.
Khi chúng tôi hỏi về điều gì được coi là quan trọng trong thi đấu, Thanh trao đổi: kỹ thuật là quan trọng nhưng vững vàng tâm lý không thể coi thường vì mình thoải mái, không bị áp lực, cơ hội thành công sẽ rất lớn. Ví như nội dung thi cầu thăng bằng của Thanh, chỉ vì tâm lý không thoải mái mà Thanh để “rớt” một huy chương. Đó cũng là điều đáng tiếc nhất trong kỳ SEA Games 26 này của Thanh.
Tuổi trẻ, nhưng cô đã có 14 năm tuổi nghề và vận động viên này luôn hiểu rõ những thế mạnh và điểm yếu mình cần biết phát huy và khắc phục. Nội dung xà lệch là điểm yếu nhất của mình, tuy nhiên Thanh nghĩ ai cũng có điểm yếu, điểm mạnh và cần biết rõ để tận dụng. Đối với Thanh, môn nhảy chống (còn được gọi là nhảy ngựa) được đánh giá là mạnh hơn cả và đã mang về khá nhiểu thành tích như: Huy chương vàng SEA Games 24, Huy chương đồng giải vô địch Châu Á (2008), Huy chương bạc cúp thế giới tổ chức ở Bồ Đào Nha (2010), Huy chương đồng giải vô địch thế giới tổ chức ở Nhật Bản (2011), Huy chương vàng SEA Games 26 và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Tại SEA games này, điều đáng lưu ý nhất là Thanh đã đoạt Huy chương vàng nội dung thi đấu toàn năng (thi đấu 4 nội dung: nhảy chống, thể dục tự do, xà lệch, cầu thăng bằng). Hà Thanh là người thứ hai đoạt Huy chương vàng trong lịch sử thi đấu toàn năng của thể thao Việt Nam sau Đỗ Thị Ngân Thương.
Khi chúng tôi đến Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia cũng đúng vào lúc các vận động viên thể dục dụng cụ đang hăng say luyện tập. Cô Đỗ Thùy Giang, huấn luyện viên đoàn thể dục dụng cụ nói: Thanh luôn là người có ý chí, nghị lực, cầu tiến, tự mình xác định mục tiêu để phấn đấu, khi các bạn trong đội mệt đã nghỉ nhưng em vẫn cần cù luyện tập. Kết quả vừa qua là minh chứng cho sự bản lĩnh của Thanh.
SEA Games 26 đã kết thúc nhưng đối với Hà Thanh vẫn chưa phải là lúc nghỉ ngơi để tận hưởng niềm vui, vị ngọt chiến thắng. Thanh chia sẻ: SEA Games 26 đã qua nhưng trên vai em vẫn đang giữ gánh nặng lớn vì thời gian tới phải luyện tập thật tốt để chuẩn bị cho kỳ Olympic London (8/2012).
Thanh bật mí: trong năm tới, chị sẽ vừa luyện tập ở trung tâm, vừa theo học trường Đại học Thể dục Thể thao (Từ Sơn – Bắc Ninh) và sau này khi hết tuổi thi đấu, Thanh mong muốn chuyển sang làm huấn luận viên để tiếp tục đào tạo những thế hệ vận động vàng cho đất nước.
Thanh Thương – Nguyễn Giáp