V-League 2013 chỉ còn 2 vòng đấu nữa là kết thúc, nhưng cho tới thời điểm này, chưa ai dám chắc kết cục của mùa giải này sẽ ra sao khi mọi chuyện vẫn rối bời. Theo thông tin mới nhất, ngày 20/8, Xi măng Xuân Thành Sài Gòn đã chính thức tuyên bố rút khỏi V-League. Như vậy, chỉ một ngày sau khi Ban Kỷ luật của VFF ra quyết định trừ 4 điểm trên bảng xếp hạng V-League 2013 do nghi vấn có tiêu cực, đội bóng chủ sân Thống Nhất đã quyết định rút lui khỏi giải đấu. Đây là quyết định được coi là bất ngờ, đồng thời cũng gây nhiều xáo trộn cho giải đấu này. Được gọi là giải đấu chuyên nghiệp, nhưng V-League ngày càng bộc lộ rất nhiều khâu không chuyên nghiệp, từ cách điều hành giải, tổ chức trận đấu, đến vấn đề trọng tài, chuyện nhường điểm, đạo đức cầu thủ, hay cư xử của cổ động viên… Sự thiếu chuyên nghiệp biểu hiện ở chỗ, dù V-League đã đi đến những vòng đấu cuối, nhưng vẫn có câu lạc bộ tuyên bố bỏ cuộc chơi.
Trở lại trận đấu vòng 19 ngày 10/8 trên sân K.Kiên Giang, XMXT Sài Gòn bỗng cho nghỉ đến già nửa đội hình chính và chơi thiếu quyết tâm, đặc biệt là càng về cuối trận, họ càng buông xuôi để đối thủ đang ngấp nghé xuống hạng là K.Kiên Giang có được 3 điểm quý giá. Không ngạc nhiên khi lãnh đạo câu lạc bộ này quả quyết rằng, họ thua trận chỉ đơn thuần do thiếu hụt lực lượng, tâm lý thi đấu của một số cầu thủ trẻ không ổn định và phong độ sa sút..., chứ không có chuyện tiêu cực hay nhường điểm. Giải thích của lãnh đạo XMXT Sài Gòn thực chất chỉ là một cách bao biện. Bởi những ai quan tâm đến bóng đá nước nhà đều đã thấy rõ những rắc rối mà CLB này gây ra tại V-League trong một vài mùa giải gần đây.
Đáng thất vọng hơn cả là ở V-League, hiện tại không chỉ một mình XMXT Sài Gòn thi đấu theo kiểu “buông thả”, “sớm nắng chiều mưa”. Thực tế, V-League 2013 có quá nhiều những trận đấu “có mùi” tiêu cực và những toan tính của các ông bầu thường bộc lộ rõ ở chặng cuối mùa giải. Như tân binh Đồng Nai khi đủ điểm trụ hạng đã bất ngờ để thua 3 trận liên tiếp, trong đó để thua rất đậm trước V.Hải Phòng và Hà Nội T&T, những đội đều rất cần điểm cho mục tiêu riêng của mình.
Có thể nói, chưa khi nào bóng đá Việt Nam lại xảy ra nhiều trục trặc và nhiều nguy cơ như thời điểm này. Thực tế, bóng đá trong nước đang phụ thuộc quá nhiều vào các ông bầu, các chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, tính khí của các ông bầu thì “sớm nắng chiều mưa”, coi bóng đá là thú tiêu khiển xa xỉ. Trong bối cảnh như vậy, thật khó mà hy vọng các ông bầu cống hiến tất cả cho bóng đá, chưa kể có ông bầu thích thì chơi, chán thì bỏ... Bên cạnh đó, giữa VFF và đơn vị điều hành giải là Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có rất nhiều vấn đề chưa tìm được tiếng nói chung, như quy định về cầu thủ ngoại, nhập tịch, kiểm soát chi tiêu tài chính, phí chuyển nhượng, lương thưởng cầu thủ…
Những biểu hiện kể trên khiến V-League chẳng khác gì một “cái chợ” không hơn không kém.