Bản quyền truyền hình bóng đá Việt Nam: Kết thúc có hậu

Cuộc tranh chấp thương quyền truyền hình bóng đá Việt Nam vừa khép lại với cái kết có hậu bằng buổi lễ ký kết chuyển nhượng chính thức giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) diễn ra ngày 23/4.

Theo đó, AVG đồng ý thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam-VFF ký với AVG năm 2010) trên cơ sở cam kết của VPF về việc khai thác bản quyền truyền hình với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm, tính từ mùa giải 2013 để tăng nguồn thu cho bóng đá Việt Nam. Điều đáng nói là AVG không yêu cầu VPF bồi hoàn các khoản lỗ mà AVG đã bỏ ra trong thời gian vừa qua để thực hiện bản Hợp đồng nói trên. Ngoài ra, AVG sẽ hỗ trợ VPF và VFF bằng cách sẽ là một thành viên giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa VFF và VPF. Các bên tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật và của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để tạo điều kiện cho VPF có thể triển khai việc khai thác thương quyền truyền hình ngay từ vòng đấu thứ 15 Giải Bóng đá chuyên nghiệp Eximbak 2012.

Người hâm mộ sẽ được lợi khi “cuộc chiến” bản quyền truyền hình bóng đá kết thúc.


Việc AVG bàn giao thương quyền V-League cho VPF được cho là động thái bất ngờ. Trước đó, ngay sau khi thành lập, VPF đã lên tiếng phản đối bản hợp đồng của AVG với VFF. Dù không còn là đối tác với AVG về bản quyền truyền hình nhưng VFF đã đánh giá rất cao những gì mà đơn vị này làm được thời gian qua. Việc VPF có kiếm đủ 50 tỷ đồng/năm hay không vẫn là câu chuyện của tương lai, nhưng việc ghi nhận công lao của AVG là điều mà VFF và tất cả phải thừa nhận.

Quả thực những năm trước đây, khi AVG chưa chính thức nhảy vào cuộc, bản quyền truyền hình “rẻ như bèo”. Thậm chí có nhiều trận, VFF phải năn nỉ hay chi tiền để các nhà đài phát sóng. Vậy mà chỉ trong vòng 2-3 năm, từ chỗ không được nhà đài nào ngó nghiêng, giờ lại trở thành “miếng bánh” để nuôi VFF, VPF và ĐTQG. Chính sự “chịu chơi” của AVG (đầu tư toàn bộ 100% lợi nhuận từ bản quyền truyền hình cho bóng đá và các môn thể thao khác), đã khiến bản quyền truyền hình càng trở nên ý nghĩa. VFF từng là đối tượng chỉ trích của chính VPF xung quanh bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, trong cuộc làm việc giữa 3 bên là VFF, AVG và VPF, chính VFF được xem là cầu nối. Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên (người đại diện cho VPF trong “cuộc chiến” bản quyền truyền hình) khẳng định: VPF và AVG đã tìm ra được tiếng nói chung về thời hạn hợp đồng, cách thức khai thác, giá trị hợp đồng dựa trên tinh thần hợp tác - cởi mở vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Trước khi đi đến thỏa thuận với AVG, VPF đã chính thức dừng khiếu kiện vấn đề bản quyền truyền hình lên Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cấp cao hơn là Tổng Thanh tra Chính phủ. Theo ông Kiên, nếu tiếp tục kéo dài chuyện kiện tụng sẽ không có lợi cho bóng đá Việt Nam. Vì thế, ông nhấn mạnh trong cuộc chiến này không ai là người thắng và không ai là kẻ thất bại, mà là làm thế nào để có lợi nhất cho bóng đá nước nhà.

VPF cam kết sẽ làm tốt nhất để xây dựng, nâng cao chất lượng các giải bóng đá do Công ty được ủy quyền tổ chức. Giải thích về việc lựa chọn vấn đề bản quyền để điều chỉnh sau thời điểm VPF được VFF trao quyền tổ chức các giải đấu trong nước (bắt đầu từ mùa giải 2012), bầu Kiên cho biết: Chúng tôi coi bản quyền truyền hình là vấn đề kinh doanh, Hội đồng quản trị VPF đều là các doanh nhân và chúng tôi có trách nhiệm kinh doanh sao cho hiệu quả. Có làm tốt nhiệm vụ này mới mang lại nhiều lợi ích cho bóng đá Việt Nam...

Trong biên bản thỏa thuận giữa 3 bên, gồm VFF ( bên C) - AVG ( bên A) và VPF ( bên B), các bên đã thống nhất một số nội dung, cụ thể: Bên A đồng ý thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG đã ký giữa bên A và bên C trên cơ sở cam kết của bên B về việc khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu do bên B được ủy quyền tổ chức với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm kể từ năm 2013 trở đi để tăng nguồn thu cho bóng đá Việt Nam. Bên B có trách nhiệm làm việc với VTV và VTC để thực hiện việc phát hình rộng rãi phục vụ đông đảo người hâm mộ.

Từ năm 2010 trở về trước, VFF hầu như cho không các nhà đài thương quyền các trận đấu ở giải bóng đá cao nhất Việt Nam. Sau khi bán thương quyền V-League cho AVG trong 20 năm với giá trị 6 tỷ đồng mỗi năm (lũy tiến 10% theo năm), các CLB V-League, hạng Nhất nhận cao nhất từ tiền thương quyền cũng chỉ chừng trên dưới 100 triệu đồng/năm. Chính vì vậy mà tuyên bố thu về tối thiểu 50 tỷ đồng từ việc khai thác thương quyền trong năm đầu, VPF tính rằng tương lai thương quyền V-League có thể đem lại hàng trăm tỷ đồng (hoặc nhiều hơn thế) mỗi năm, hứa hẹn các câu lạc bộ tham gia V-League sẽ có nguồn thu đáng kể. “Đối với bản quyền các trận đấu của đội tuyển quốc gia, sau khi nghe các kế hoạch khai thác vấn đề bản quyền truyền hình của chúng tôi, AVG cũng muốn chuyển giao toàn bộ bản hợp đồng đã ký với VFF, bao gồm cả các đội tuyển quốc gia, nhưng chúng tôi chưa nhận lời. Trước mắt chúng tôi chỉ nhận những gì chúng tôi nắm trong tay thôi", ông Kiên cho biết.

Theo ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch VPF, công ty này đang hướng tới việc thành lập hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam và đã có tới hơn 10 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đăng ký tham gia. Đó là những doanh nghiệp lớn, có uy tín và tâm huyết với sự nghiệp bóng đá nước nhà. Họ sẽ đầu tư vào V-League và cái thu lại là quảng cáo. Hình ảnh của họ sẽ xuất hiện ở V-League. Còn Phó Chủ tịch VPF Đoàn Nguyên Đức thì tự tin: “10 doanh nghiệp hàng đầu tham gia, chỉ cần mỗi doanh nghiệp bỏ ra 10 tỷ đồng, V-League sẽ có 100 tỷ đồng một năm”.

Về phương án phân chia số tiền thu về, ông Võ Quốc Thắng chẳng úp mở: “Số tiền sẽ được phân chia theo tỷ lệ góp vốn của các cổ đông. Bóng đá phải sống được bằng tiền của chính mình. Phần còn lại sẽ được chi cho các đội tuyển quốc gia. Phần nữa, chúng tôi sẵn sàng đầu tư cho các CLB sửa sang sân bãi, hỗ trợ công tác tổ chức ở các sân. VPF không vụ lợi, những gì chúng tôi làm là đem lại lợi nhuận cho bóng đá Việt Nam, nâng cao giá trị của bóng đá Việt Nam”.

Yến Nhi

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN