Phát biểu trước Kỳ họp lần thứ 141 của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) tại Mumbai, Thủ tướng Modi chia sẻ: “Ấn Độ háo hức mong đợi đăng cai Olympic và đất nước chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực tổ chức Olympic 2036, đó là giấc mơ và khát vọng của 1,4 tỷ người dân Ấn Độ”. Bên cạnh đó, ông cũng nêu rõ Ấn Độ sẵn sàng đăng cai Thế vận hội Thanh niên 2029 và bày tỏ tin tưởng nhận được sự hỗ trợ liên tục từ IOC.
Thủ tướng Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phiên họp IOC diễn ra ở Ấn Độ sau 40 năm. Theo ông, thể thao là một khía cạnh quan trọng của văn hóa và lối sống Ấn Độ. Ông tuyên bố: “Khi đến các ngôi làng ở Ấn Độ, người ta có thể thấy rằng bất kỳ lễ hội nào cũng không thể trọn vẹn nếu không có thể thao. Người Ấn Độ không chỉ yêu thích thể thao mà chúng tôi còn sống với thể thao. Trong thể thao không có kẻ thua cuộc, chỉ có người chiến thắng và người học hỏi. Ngôn ngữ và tinh thần thể thao có tính phổ quát. Thể thao không chỉ là sự cạnh tranh. Thể thao mang đến cho nhân loại cơ hội để mở rộng. Đó là lý do tại sao các kỷ lục được tôn vinh trên toàn cầu. Thể thao cũng củng cố tinh thần ‘Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai’ (chủ đề Năm Chủ tịch G20 của Ấn Độ)”.
Mặc dù, Thủ tướng Modi không đề cập đến thành phố sẽ đăng cai Olympic 2036, song các phương tiện truyền thông suy đoán Ahmedabad - thủ phủ bang Gujarat quê hương ông - là thành phố có nhiều khả năng được lựa chọn nhất. Ahmedabad là nơi có Sân vận động Narendra Modi, được đặt theo tên của Thủ tướng Ấn Độ và có 132.000 chỗ ngồi, địa điểm thể thao lớn nhất thế giới tính theo sức chứa.
Trước đó khoảng 2 tháng, Bộ trưởng Các vấn đề Thanh niên và Thể thao Ấn Độ Anurag Thakur khẳng định quốc gia Nam Á hiện sở hữu “cơ sở hạ tầng hàng đầu toàn cầu”, giúp đất nước tỷ dân sẵn sàng tổ chức Olympic. Ông quả quyết: “Không có gì phải nghi ngờ về năng lực của Ấn Độ”.
Thủ tướng Modi cũng từng nhấn mạnh rằng thành công của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) là bằng chứng cho thấy Ấn Độ đã sẵn sàng tổ chức “những sự kiện lớn mang tính toàn cầu”.