Phía sau kỳ tích trên của cô gái vùng đất Ba Vì này là cả một hành trình vượt lên nghịch cảnh bằng ý chí, sự bền bỉ khó tin của mình. Thảo sinh ra trong một gia đình nghèo khó, với một tuổi thơ khốn khó. Bố mắc bệnh nặng, bản thân Thảo từng phải đi làm phụ hồ, làm thuê để đỡ đần gia đình. Và dường như cuộc sống khó khăn càng làm tăng thêm ý chí của cô gái nhỏ bé này.
Đến với thể thao, Thu Thảo đã phải chuyển qua thi đấu ở nhiều môn, hết đá cầu, bơi, nhảy cao, chạy ngắn, 7 môn phối hợp. Sở dĩ có điều này là nhờ chính sách đào tạo của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tạo điều kiện để các VĐV trẻ tập luyện những môn phù hợp với khả năng. Thảo cũng từng bỏ tập khi chán nản vì chấn thương, vì điều kiện vất vả, mức thu nhập chả được là bao.
“Bố em là động lực và luôn là sự khích lệ em bước tiếp trên con đường điền kinh, bởi chính bố là người đưa e đến với thể thao chứ không phải em muốn theo đuổi ngay từ đầu. Nhưng chính HLV Nguyễn Trọng Hổ mới là người giữ e lại với môn thể thao khắc nghiệt này sau những chán chường, thất vọng với bản thân. Thầy Hổ đã nhiều lần động viên, chỉ dậy và tạo những điều kiện tốt nhất cho em vững tâm tiếp tục theo đuổi đuổi”- Thu Thảo chia sẻ về quãng thời gian đầy khó khăn của mình trước đây.
“10 năm theo đuổi điền kinh, không ít lần chán nản muốn dừng lại, tôi may mắn có được sự hỗ trợ tận tâm của nhiều người để có được ngày hôm nay” - Bùi Thị Thu Thảo chia sẻ.
Thu Thảo cũng đã kết hôn, nhưng cô đã tạm gác lại việc sinh con để cống hiến cho thể thao nước nhà. Để có được thành quả như hôm nay, Thu Thảo đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ bố mẹ chồng và đặc biệt là chồng. Nếu không có sự nhiệt tình và kiên nhẫn thuyết phục động viên của gia đình, các thầy, có lẽ thể thao Việt Nam đã không có Thảo của ngày hôm nay.
HLV Nguyễn Trọng Hổ, người phát hiện tài năng của cô gái sinh năm 1992, cho biết, Thảo chỉ cao 1m61 không lý tưởng với nhảy xa nhưng cô có sức mạnh, tốc độ và đặc biệt ý chí tập luyện, tinh thần thi đấu ngoan cường, không ngán ngại các đối thủ. Khi HLV đưa bài tập, Thảo toàn tập nhiều hơn chứ không thoái thác. Khi thi đấu, Thảo sung đến mức không quan tâm đối thủ là ai, càng khó càng có cú nhảy đột biến.
Cả hành trình vượt khó phi thường, tài năng, sự khổ luyện, những khát vọng của Thảo được kết đọng tại ASIAD 2018. Cú nhảy đầu tiên đã đạt thành tích 6m55 của Thu Thảo khiến hầu hết các đối thủ của cô choáng váng và “cú nhảy thần kỳ" này cũng đã mang về tấm HCV châu lục. Một thành tích vô cùng xứng đáng và hết sức tuyệt vời.
Với người trong cuộc, thành tích của cô không khiến nhiều người quá bất ngờ, bởi ở các đấu trường trước đó “cô gái vàng” này luôn thi đấu rất tốt. Trong quá khứ, Thu Thảo đã từng tham dự và tôi luyện ở SEA Games năm 2011 (Indonesia), SEA Games 2013 (Myanmar, đoạt HCĐ), ASIAD 2014 (Hàn Quốc, HCB). Tiếp đó là những thành tích ấn tượng tại Asian Grand Prix, Giải vô địch châu Á, SEA Games 29 và Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á 2017. Khép lại năm 2017, Thảo đứng ở vị trí số 1 châu Á, thứ 25 thế giới theo xếp hạng quốc tế, điều mà chưa VĐV điền kinh Việt Nam nào có được. Với những thành công trong năm, Thu Thảo đã giành được danh hiệu Nữ VĐV của năm Cúp chiến thắng 2017.
Từ năm 2014 đến nay, Thu Thảo đã 9 lần đạt huy chương vàng, bạc tại các giải châu Á cũng như SEA Games. Giờ đây, Thu Thảo là một trong những nhân tố thống trị nhảy xa Việt Nam cũng như đấu trường khu vực Đông Nam Á.
Thu Thảo đã mang về tấm HCV đầu tiên của đoàn Thể thao Việt Nam nội dung nhảy xa môn điền kinh - bộ môn đầy danh giá ở đấu trường châu lục, qua đó mở ra trang sử mới cho điền kinh Việt Nam. Câu chuyện giành HCV ASIAD của Thu Thảo giống như một câu chuyện cổ tích.
Bùi Thị Thu Thảo 2 lần vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2018, cô được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Vui với chiến tích lịch sử, cô gái 26 tuổi giàu nghị lực của điền kinh Việt Nam giờ đây đang hướng đến một mục tiêu mới, chính là tìm kiếm danh tiếng ở đấu trường thế giới và giành tấm vé chính thức tham dự Olympic 2020 ở Nhật Bản sau 2 năm nữa. Thông số thành tích tốt nhất mà Thu Thảo từng chạm đến là 6m68 nếu được tái lập hoặc vượt hơn nữa, cô hoàn toàn có thể đến với Tokyo 2020 để tiếp tục tạo nên những dấu mốc khác cho điền kinh Việt Nam.
Tấm huy chương tại ASIAD sẽ là nguồn cảm hứng lẫn khát vọng chinh phục đỉnh cao mới ở sân chơi vẫn được coi là vượt tầm của thể thao Việt Nam. Cô gái quê Ba Vì có biệt danh Thảo “bò vàng” khẳng định, chẳng sợ khó, sợ khổ, sẵn sàng đổ mồ hôi trên sân tập để tìm kiếm danh hiệu ở đấu trường lớn hơn.
Bảng thành tích ấn tượng của Bùi Thu Thảo:
Năm 2014: 1 HCB Asiad; 1 HCB Giải bãi biển châu Á
Năm 2015: 1 HCB Sea Game 28
Năm 2016: 1 HCV Giải bãi biển châu Á; 1 HCB Giải châu Á trong nhà
Năm 2017: 2 HCV Giải vô địch châu Á; 1 HCV Sea Game 29; 1 HCV Giải châu Á trong nhà Năm 2018: 1 HCV Giải châu Á; 1 HCV nhảy xa ASIAD