Vòng chung kết đã diễn ra 12 trận đấu gay cấn, quyết liệt giữa 24 vận động viên xuất sắc đến từ 17 đoàn. Các vận động viên thi đấu hết mình, để lại ấn tượng cho khán giả về tinh thần thể thao trung thực, cao thượng, đoàn kết.
Kết quả, Ban Tổ chức trao 12 bộ huy chương ở các hạng cân. Trong đó, đoàn Quân đội dẫn đầu với 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương đồng; đứng thứ hai là đoàn Vĩnh Phúc với 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương bạc, 2 Huy chương Đồng; thứ ba là đoàn Thái Nguyên với 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Đồng.
Các vận động viên đoạt Huy chương Vàng ở các hạng cân là: Lê Văn Huyên (51 kg, Quân đội); Trương Công Hoa (54 kg, Quân đội); Nguyễn Kim Bảo (57 kg, Nghệ An); Phí Hữu Lộc (60 kg, Quân Đội); Phạm Văn Có (63 kg, Huế); Trần Văn Tòng (66 kg, Vĩnh Phúc); Cấn Tất Phúc (69 kg, Hà Nội); Nguyễn Doãn Dũng (72 kg, Huế); Ngô Thành Tân (75 kg, Vĩnh Phúc); Lê Đại Phúc (78 kg, Phú Thọ); Mai Văn Luật (81 kg, Thái Nguyên); Trần Văn An (84 kg, Thái Nguyên).
Sau 3 kỳ Đại hội không được tổ chức thi đấu, đến kỳ Đại hội này, môn Vật dân tộc đã được lựa chọn là một môn thi đấu trong Đại hội Thể thao toàn quốc, với sự tăng lên cả về số đoàn và số lượng vận động viên tham dự, trong đó nổi lên một số đoàn có thế mạnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quân đội, Nghệ An.
Sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh Bắc Giang về cơ sở vật chất và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lực lượng của các đoàn tham dự, quy tụ những vận động viên chất lượng hàng đầu của Vật dân tộc Việt Nam đã mang lại những trận đấu hay, đầy kịch tính, thu hút lượng lớn khán giả đến xem và cổ vũ.