Xyri trả đũa EU và Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ Xyri ngày 2/12 (giờ Việt Nam) đã ngừng tham gia Liên minh Địa Trung Hải (UFM) và Nghị định thương mại tự do với Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa các biện pháp trừng phạt mới mà Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt chống lại nước này.

Bất chấp sức ép từ phương Tây và AL, ngày 2/12, nhiều người dân Xyri đã tham gia mít tinh ở thủ đô Đamát, bày tỏ sự ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: AFP/ TTXVN


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri thông báo, nước này đã ngừng gia nhập UFM - một liên minh khu vực gồm 27 nước thuộc EU và 16 nước quanh khu vực Địa Trung Hải - cho đến khi châu Âu chấm dứt các biện pháp trừng phạt. Hành động này nhằm đáp trả việc EU đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt không có cơ sở và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Xyri. Phía Xyri cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt vi phạm trắng trợn chủ quyền dân tộc và can thiệp vào công việc nội bộ của Xyri trái với các thỏa thuận mà Xyri đã ký với EU.

Trước đó, sau cuộc họp ngoại trưởng EU tại Brúcxen (Bỉ), EU đã quyết định tăng cường trừng phạt Xyri với lý do nước này tiếp tục trấn áp người biểu tình. Các biện pháp mới nhằm vào ngành năng lượng, tài chính, ngân hàng và thương mại của Xyri, trong đó cấm xuất khẩu thiết bị ngành dầu mỏ, khí đốt sang Xyri, cấm giao dịch trái phiếu chính phủ Xyri, ngừng cho Xyri vay nợ lãi suất thấp, ngừng bán các phần mềm quản lý Internet và viễn thông cho Xyri. Các ngoại trưởng EU cũng đưa ra một danh sách các cá nhân và thực thể "liên quan đến bạo lực hoặc trực tiếp hỗ trợ chính phủ Xyri" chịu lệnh trừng phạt của EU. Ngày 2/12, EU tiếp tục bổ sung vào danh sách bị cấm vận các Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Kinh tế, một số công ty dầu mỏ quốc gia và 2 cơ quan truyền thông của Xyri. Đến nay, đã có khoảng 120 cá nhân và tổ chức của Xyri bị liệt vào danh sách này.

Trong khi đó, ngoài việc ngừng Nghị định thương mại tự do với Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Xyri còn đang xem xét thực hiện thêm các biện pháp trả đũa khác thích đáng với hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 1/12, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo các biện pháp trừng phạt Xyri gồm đóng băng tài sản của chính phủ Xyri tại Thổ Nhĩ Kỳ, cấm một số lãnh đạo Xyri đi lại, ngừng quan hệ giữa ngân hàng trung ương hai nước, chặn các chuyến hàng chở vũ khí và thiết bị quân sự đi qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Xyri. Các biện pháp này đã bị phe đối lập ở Thổ Nhĩ Kỳ phản đối mạnh mẽ. Lãnh đạo phe đối lập cho rằng các biện pháp này không đúng đắn và không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Các biện pháp trừng phạt Xyri của EU và Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Liên đoàn Arập (AL) quyết định trừng phạt kinh tế Xyri. Ngoại trưởng Xyri Walid al-Moallem cáo buộc AL quốc tế hóa cuộc khủng hoảng ở Xyri và đóng mọi cánh cửa hợp tác với Xyri.

Nga kịch liệt phản đối các biện pháp do phương Tây và AL áp đặt chống Xyri và cho biết Nga có quyền bán vũ khí cho Xyri. Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Sergei Ivanov cho rằng, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Xyri không hạn chế Nga cung cấp vũ khí cho Xyri. Theo hãng Interfax (Nga), một nguồn tin quân sự tiết lộ, Nga đã chuyển các tên lửa hành trình siêu thanh đối hạm Yakhont cho Xyri. Đây là hợp đồng mua bán vũ khí giữa Nga và Xyri trị giá 300 triệu USD. Vũ khí này có thể giúp bảo vệ toàn bộ vùng bờ biển của Xyri trước các cuộc tấn công từ biển.

Phóng viên TTVN tại Ai Cập dẫn các nguồn tin Arập ngày 1/12 cho biết, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đang thảo luận với các đại diện của Nga cách chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Xyri giống như Yêmen. Theo đó, Tổng thống Assad sẽ chuyển giao quyền lực cho một nhân vật mà cả Nga và Mỹ chấp thuận, sau đó sẽ được phép tị nạn tại một khu nghỉ dưỡng nằm gần Mátxcơva (Nga). Tin cũng cho biết, phía Mỹ đang cố thuyết phục Nga tăng sức ép để Tổng thống Assad nhất trí với kế hoạch này.

Trong khi đó, tình hình Xyri vẫn hết sức căng thẳng sau khi những phần tử đào ngũ tấn công Trung tâm Tình báo Không quân Xyri tại tỉnh Idlib và giết chết 8 người. Vụ tấn công diễn ra sau khi Cao ủy về nhân quyền của Liên hợp quốc, ông Navi Pillay, nhận định Xyri đã rơi vào một cuộc nội chiến khi đã có hơn 4.000 người thiệt mạng và số binh sĩ đào ngũ chống lại chế độ ngày càng gia tăng.

Do lo ngại về an ninh tại Xyri, Bộ Ngoại giao Côoét đã yêu cầu các công dân nước này rời Xyri và khuyến cáo người dân không nên đến Xyri. Trước đó, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Cata và Baranh đã có hành động tương tự.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN