Xung đột Nga - Ukraine bộc lộ tình trạng phân mảnh của trật tự toàn cầu

Một cuộc khảo sát mới cho thấy, mặc dù cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến đoàn kết phương Tây hơn, nhưng cũng bộc lộ sự phân mảnh của trật tự toàn cầu.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine trong cuộc giao tranh với Nga ở Bakhmut. Ảnh: Reuters

Cuộc thăm dò trên do Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) tiến hành và đã khảo sát ý kiến ​​ở nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Ba Lan, Anh và Mỹ, cũng như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc thăm dò được thực hiện vào tháng 1/2023, cho thấy sự khác biệt rõ rệt về địa lý trong thái độ đối với cuộc xung đột. Các tác giả của nghiên cứu cho rằng sự kiện này có khả năng trở thành bước ngoặt đánh dấu sự xuất hiện của một trật tự thế giới “hậu phương Tây”.

Mark Leonard, Giám đốc ECFR và đồng tác giả của báo cáo, nêu rõ: “Nghịch lý của cuộc xung đột ở Ukraine là phương Tây vừa đoàn kết hơn vừa ít ảnh hưởng hơn trên thế giới so với trước đây".

Về phần mình, Timothy Garton Ash, đồng tác giả nghiên cứu cho biết, trong khi hầu hết người châu Âu và người Mỹ đoàn kết hơn như thời Chiến tranh Lạnh, phương Tây đã hoàn toàn thất bại trong thuyết phục các cường quốc còn lại, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Ash nói: “Chúng ta rất cần một câu chuyện mới thực sự thuyết phục đối với các quốc gia như Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới".

Cuộc khảo sát của ECFR cho thấy quan điểm của phương Tây về Nga cũng đã cứng rắn hơn trong năm qua. 

Phần lớn người được khảo sát ở Anh (77%), Mỹ (71%) và 9 quốc gia thành viên EU (65%) coi Nga là đối thủ. Chỉ 14% ở Mỹ, 15% ở 9 quốc gia ở EU và 8% ở Anh coi Nga là đồng minh, chia sẻ lợi ích hoặc là một “đối tác cần thiết”.

Trung bình 55% số người được hỏi ở 9 quốc gia thành viên EU ủng hộ tiếp tục các biện pháp trừng phạt Moskva ngay cả khi phải trả giá bằng những khó khăn kinh tế.

Trong khi đó, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định Nga là đối tác và đồng minh, mặc dù chính thức công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Ví dụ, một số lượng lớn người dân ở Trung Quốc (76%), Ấn Độ (77%) và Thổ Nhĩ Kỳ (73%) cho biết họ cảm thấy Nga “mạnh hơn” so với trước khi xung đột nổ ra 1 năm trước. Họ coi Moskva là “đồng minh” chiến lược và “đối tác cần thiết” của đất nước họ (lần lượt là 79%, 79%, 69%).

“Nhiều người ở phương Tây coi trật tự quốc tế sắp tới là sự trở lại của thế lưỡng cực kiểu chiến tranh lạnh giữa phương Tây và phương Đông”, các tác giả của nghiên cứu cho biết nhưng nói thêm rằng người dân ở các quốc gia đó sẽ nhìn nhận bản thân họ rất khác.

Theo họ, phương Tây sẽ phải "sống chung với các chế độ đối thủ như Trung Quốc và Nga, cùng với với các cường quốc độc lập như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ".

Các tác giả của nghiên cứu kết luận thay vì mong đợi họ ủng hộ “những nỗ lực của phương Tây nhằm bảo vệ trật tự thế giới đang suy yếu dần sau Chiến tranh Lạnh, phương Tây cần sẵn sàng hợp tác với họ trong việc xây dựng một trật tự quốc tế mới”.

Công Thuận/Báo Tin tức (euractiv.com)
Hai diễn biến mới liên quan Trung Quốc trong xung đột Nga - Ukraine
Hai diễn biến mới liên quan Trung Quốc trong xung đột Nga - Ukraine

Gần đây, Trung Quốc được nhắc tới nhiều sau khi đưa ra đề xuất 12 điểm cho xung đột Nga – Ukraine và vướng vào cáo buộc của phương Tây rằng nước này đang cân nhắc gửi vũ khí cho Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN