Theo hãng tin Reuters ngày 25/2, các nhà lãnh đạo tài chính G20 đã không thể đạt được sự đồng thuận về cuộc xung đột Nga - Ukraine với việc kết thúc cuộc họp ở Ấn Độ ngày 25/ 2 mà không có thông cáo chung, khi Nga và Trung Quốc từ chối kí vào tài liệu này.
Mỹ và các đồng minh trong nhóm các quốc gia G7 đã kiên quyết yêu cầu thông cáo chung chỉ trích thẳng thắn Nga về cuộc xung đột ở Ukraine, điều này đã bị các phái đoàn Nga và Trung Quốc phản đối.
Việc thiếu sự đồng thuận hoàn toàn giữa các thành viên G20 đồng nghĩa với việc Ấn Độ phải đưa ra một "bản tóm tắt của chủ tọa", trong đó nước này chỉ đơn giản tóm tắt hai ngày đàm phán và ghi nhận những điểm bất đồng.
"Hầu hết các thành viên đều phản đối cuộc xung đột ở Ukraine và nhấn mạnh rằng điều này đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những bất ổn hiện có trong nền kinh tế toàn cầu", bản tóm tắt nêu rõ, viện dẫn sự gián đoạn chuỗi cung ứng, rủi ro đối với sự ổn định tài chính và tiếp tục gây mất an ninh lương thực và năng lượng.
"Có những quan điểm khác và đánh giá khác về tình hình và các biện pháp trừng phạt", bản tóm tắt cho biết thêm, đề cập đến các biện pháp do Mỹ, EUvà các nước khác đưa ra để trừng phạt Nga vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Kết quả này cũng tương tự như hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng 11 năm ngoái khi nước chủ nhà Indonesia cũng đưa ra tuyên bố thừa nhận những khác biệt. G20, được thành lập hơn hai thập kỷ để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế, ngày càng gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên.
Ấn Độ, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên G20 hiện nay, đã duy trì quan điểm trung lập về cuộc xung đột, từ chối lên án Nga và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, đồng thời tăng cường mua dầu của Moskva.