Xung đột Hamas - Israel: Cộng đồng quốc tế tìm cách giảm căng thẳng

Ngày 10/10, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths kêu gọi thả ngay lập tức tất cả những người bị bắt giữ làm con tin trong cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel.

Chú thích ảnh
Những tòa nhà bị phá hủy sau trận oanh kích của quân đội Israel xuống thành phố Gaza, ngày 10/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông cáo báo chí, ông Martin Griffiths nhấn mạnh: “Trong xung đột, dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự phải được bảo vệ...Những người bị bắt giữ phải được đối xử nhân đạo. Các con tin phải được thả ngay lập tức". Ông Griffiths cũng nêu rõ "không được chặn cứu trợ nhân đạo cũng như các dịch vụ thiết yếu cung cấp cho Dải Gaza".

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của các nước trên thế giới đang xúc tiến những động thái ngoại giao để tìm cách tháo gỡ căng thẳng. Ngày 10/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm về xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về những biện pháp nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông. Thông báo của Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã bày tỏ quan ngại về thương vong dân thường ở Israel và Dải Gaza. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải có "một lệnh ngừng bắn ngay lập tức" và "nối lại đàm phán".

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng có cuộc điện đàm về diễn biến xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel. Trong cuộc điện đàm, hai quan chức ngoại giao bày tỏ lo ngại xung đột có thể đẩy khu vực Trung Đông vào bất ổn hơn nữa.

Tối 10/10, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng điện đàm với Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) Hissein Brahim Taha. Ngoại trưởng Iran bày tỏ nước này sẵn sàng tổ chức một cuộc họp khẩn cấp bộ trưởng của OIC để thảo luận về tình hình ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia Hồi giáo hành động khẩn cấp để ủng hộ người Palestine.

Tại Oman, Hội nghị bộ trưởng lần thứ 27 Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đã tập trung thảo luận về tình hình Israel-Palestine nói chung và cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát hôm 7/10, khả năng giảm leo thang xung đột và giải quyết khủng hoảng.

Tại hội nghị, Hy Lạp đã đề xuất kế hoạch 5 điểm cho cuộc xung đột ở Trung Đông, bao gồm lên án bạo lực; ngay lập tức thả tất cả con tin và những người bị bắt giữ; tránh bất kỳ hành động tấn công nào nhằm vào các mục tiêu dân sự; đảm bảo hỗ trợ nhân đạo và tổ chức một hội nghị đặc biệt về tình hình ở Trung Đông, với sự tham gia của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Liên đoàn Arab, cùng với Israel và Chính quyền Palestine.

Theo kế hoạch, các ngoại trưởng EU họp khẩn trong ngày 11/10 tại Oman để thảo luận về xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel. Ngoại trưởng Israel và Ngoại trưởng Chính quyền Palestine được mời tham dự cuộc họp này.

Nguyễn Hà (TTXVN)
Mỹ có thể điều tàu sân bay thứ hai tới Israel
Mỹ có thể điều tàu sân bay thứ hai tới Israel

Động thái hiếm hoi về khả năng có hai nhóm tác chiến tàu sân bay trong cùng một khu vực sẽ phát đi tín hiệu lớn với phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine rằng quân đội Mỹ đang hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN