Tàu sân bay thứ hai của Mỹ có thể sẽ chuyển hướng tới phía Đông Địa Trung Hải trong một nỗ lực ủng hộ Israel.
Tờ Politico ngày 10/10 đưa tin, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower từ lâu đã được lên kế hoạch triển khai và hoạt động gần châu Âu. Tuy nhiên, con tàu có thể sẽ phải chuyển hướng tới phía Đông Địa Trung Hải do căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Các quan chức Lầu Năm Góc được Politico dẫn nguồn nói rằng, Mỹ có thể sớm có hai tàu sân bay hiện diện ở Đông Địa Trung Hải, một động thái đánh dấu sự leo thang lớn về sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực khi giao tranh giữa lực lượng Israel và phiến quân Hamas ngày càng gia tăng.
Nguồn tin của tờ Politico cho hay, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower dự kiến khởi hành từ căn cứ Norfolk ở bang Virgnia trong tuần này và có thể được lệnh triển khai đến vùng biển ngoài khơi Israel. Tàu có thể đến Đông Địa Trung Hải vào cuối tháng 10.
Vào thời điểm đó, Eisenhower sẽ phối hợp cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R Ford mà Lầu Năm Góc đã ra lệnh tới vùng biển ngoài khơi Israel chỉ một ngày sau các cuộc tấn công bất ngờ của Hamas.
Trước đó, ngày 8/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho hay ông đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới Đông Địa Trung Hải để sẵn sàng hỗ trợ Israel khi bạo lực leo thang đã khiến trên 1.800 người thiệt mạng ở cả hai phía.
Ngày 10/10, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford đã tới Đông Địa Trung Hải nhằm phát đi "tín hiệu răn đe mạnh mẽ nếu bất kỳ thế lực thù địch nào với Israel cân nhắc việc lợi dụng tình hình hiện nay".
Theo người phát ngôn Lầu Năm Góc McGarry, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ tiếp tục xem xét kế hoạch triển khai của cả hai tàu "khi ông đánh giá sự cân bằng phù hợp về năng lực hàng hải giữa các chiến trường nhằm hỗ trợ các ưu tiên an ninh quốc gia".
Động thái hiếm hoi về khả năng có hai tàu sân bay, được hộ tống bởi các tàu tuần dương, tàu khu trục và máy bay chiến đấu trong nhóm tác chiến, trong cùng một khu vực sẽ phát đi một tín hiệu lớn cho Hamas rằng quân đội Mỹ đang hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel.
Hồi tháng 3 năm 2020, Lầu Năm Góc đã từng triển khai hai tàu sân bay tới Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran. Vào thời điểm đó, cả hàng không mẫu hạm USS Dwight D. Eisenhower và USS Harry S. Truman, cùng với các tàu hộ tống, đều hoạt động ở Biển Ả rập.
Tuy nhiên, chiến lược tàu sân bay kép trong quá khứ đã gây căng thẳng nghiêm trọng cho Hải quân Mỹ, khiến các lãnh đạo quân đội cảnh báo rằng nó không bền vững. Tàu sân bay đang có nhu cầu cao trên toàn cầu và thường trải rộng đến các khu vực khác nhau.
USS Dwight D. Eisenhower là một trong những tàu sân bay lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ. Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, dài 333 m, có lượng choán nước 86.000 tấn và là tàu lớp Nimitz thứ hai của Hải quân Mỹ. Boong tàu có thể chứa tới 60 máy bay, và mỗi máy bay chỉ mất 1 phút cất hoặc hạ cánh trong điều kiện chiến đầu đầy đủ.
Trong khi đó, USS Gerald R. Ford là tàu sân bay năng lượng hạt nhân mới nhất và tiên tiến nhất của Hải quân Mỹ. Hàng không mẫu hạm này có chiều dài 333m, rộng 77m, có lượng choán nước 100.000 tấn, tháp điều khiển cao 76m. Tàu mang theo thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người cùng nhiều máy bay chiến đấu, được hộ tống bởi nhóm các tàu tuần dương, tàu khu trục.
Hãng tin AP nhận định, việc triển khai lực lượng quy mô lớn này phản ánh mong muốn của Mỹ trong việc ngăn chặn bất kỳ nguy cơ mở rộng xung đột nào trong khu vực.
Bên cạnh việc triển khai các tàu chiến, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết "cũng nhanh chóng cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Israel các thiết bị và nguồn lực bổ sung, bao gồm cả đạn dược". Lô đạn dược đầu tiên trong chương trình này đã tới Israel vào ngày 10/10.
Tướng lục quân Mỹ về hưu Barry McCaffrey cho rằng Mỹ có thể sẽ can thiệp trực tiếp bằng các cuộc không kích và hải quân nếu sự tồn tại của Israel bị đe dọa.