Xuất hiện bằng chứng mới cáo buộc nhà bác học Darwin đánh cắp Thuyết Tiến hóa

Nhà bác học người Anh Charles Darwin vốn được coi là người đã thay đổi hiểu biết của nhân loại về lịch sử tự nhiên. Tuy nhiên, một cuốn sách mới tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng cho thấy ông đã đánh cắp Thuyết Tiến hóa từ người khác.

Chú thích ảnh
Charles Darwin (trái) và Patrick Matthew. Ảnh: Dailymail

Cuốn sách ra mắt vào tuần tới có tên “Science Fraud: Darwin’s Plagiarism Of Patrick Matthew’s Theory” (tạm dịch: Gian lận khoa học: Darwin đạo văn thuyết của Patrick Matthew). Đây là tác phẩm của một nhà tội phạm học giàu kinh nghiệm là Tiến sĩ Mike Sutton. Tác giả lập luận rằng có nhiều điểm tương đồng giữa cuốn “On The Origin Of Species” (Nguồn gốc các loài) của Darwin và một tác phẩm trước đó của một nhà tự nhiên học tên là Patrick Matthew.

Trong cuốn sách mang tính cách mạng hóa hiểu biết về thế giới tự nhiên, Darwin đã giải thích rằng sự sống được phát triển từ một tổ tiên chung bằng cách tiến hóa dần dần thay vì là kết quả của sự sáng tạo thần thánh.

Năm 1859, sau khi quan sát những sinh vật như rùa Galapagos khổng lồ, ông đã xuất bản “Nguồn gốc các loài”, nói về lý thuyết “Quá trình chọn lọc tự nhiên”. Tuy nhiên, 28 năm trước đó, Matthew đã xuất bản cuốn “On Naval Timber And Arboriculture”, trong đó giải thích những phát hiện tương tự thông qua thuyết của ông về “Quá trình chọn lọc tự nhiên”.

Tiến sĩ Mike Sutton nói: “Đây là vụ gian lận khoa học lớn nhất trong lịch sử”. Ông nêu bật những điểm tương đồng giữa các cụm từ chính và lời giải thích, đồng thời trích dẫn các bức thư dường như cho thấy Darwin biết công việc của Matthew và che giấu món nợ của mình với đối thủ.

Trong một lần, vợ của Darwin thừa nhận với Matthew rằng thuyết tiến hóa là “đứa con ban đầu” của ông, nhưng chồng bà đã nuôi nó như con của chính mình.

Tiến sĩ Sutton cho biết: “Năm 1859, Darwin đã sao chép thuyết tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên trong tác phẩm trước năm 1831 của Patrick Matthew”. Ông nhấn mạnh: “Matthew là người đầu tiên sử dụng cụm từ đó để giải thích lý thuyết mà ông gọi là Quá trình chọn lọc tự nhiên. Darwin nhận ra rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng những từ tương tự nên ông đã gọi nó là Quá trình chọn lọc tự nhiên. Ông ấy xáo trộn các từ và hy vọng không ai nhận ra”.

Là một người buôn bán ngũ cốc và chủ đất ở Perthshire, Matthew đã đi khắp châu Âu để nghiên cứu về nông nghiệp và lâm nghiệp.

Trước đó, đã xuất hiện những tuyên bố rằng Darwin vay mượn thuyết trên từ Matthew, nhưng cuốn sách mới đưa ra những bằng chứng mới, bao gồm cả việc khi Matthew chất vấn Darwin, Darwin đã nói rằng không ai từng nghe nói về Matthew hay lý thuyết của ông. 

Trên thực tế, theo Tiến sĩ Sutton, cuốn sách của Matthew đã được trích dẫn và nhận xét từ bạn bè, đồng nghiệp và thậm chí cả những người cố vấn của Darwin trong 30 ấn phẩm hàng đầu. Trong các tạp chí của riêng mình, Darwin thừa nhận đã đọc ít nhất năm ấn phẩm trong đó có nói về tác phẩm của Matthew.

Có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất là một bức thư từ vợ của Darwin, bà Emma. Bà viết thư thay cho chồng mình.

Tiến sĩ Sutton nói: “Bà ấy nói rằng Darwin quá ốm nên không thể viết thư. Bà ấy nói: ‘Darwin tận tâm với đứa con ban đầu của ông hơn chính ông. Nếu ông muốn một thời thừa nhận thì đây, đó chính là đứa con ban đầu của ông”.

Tiến sĩ Sutton nói thêm: “Tất cả những người theo thuyết Darwin hàng đầu đều thừa nhận Matthew đã tìm ra điều đó đầu tiên, nhưng nói rằng không ai đọc nó. Thực ra, họ đã đọc. Chúng ta đã có những lời nói dối của Darwin, các bản sao chép văn bản và ý tưởng, những sự thật có thể kiểm chứng độc lập mà theo tôi chứng minh có sự gian lận có chủ ý”.

Giáo sư Mark Griffiths thuộc Đại học Nottingham Trent, cho biết: “Điều này cho thấy thuyết tiến hóa lần đầu tiên được Patrick Matthew đề xuất vào năm 1831, tức 28 năm trước khi Darwin xuất bản phiên bản của riêng mình. Không có lý do chính đáng nào để Matthew không được ghi nhận là người khởi xướng thuyết tiến hóa”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Độc đáo nghi lễ bắn đại bác vang rền ở St Petersburg, Nga vào trưa hàng ngày
Độc đáo nghi lễ bắn đại bác vang rền ở St Petersburg, Nga vào trưa hàng ngày

Cứ vào 12 giờ trưa, một loạt đại bác lại vang lên ở trung tâm thành phố St Petersburg. Đằng sau truyền thống cổ xưa này là gì và ai là người tạo ra nghi lễ đặc trưng này?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN