Theo Zmescience, Hội chứng Marie Antoinette còn được gọi là Canities subita. Đây là một tình trạng bí ẩn khiến đột nhiên toàn bộ tóc bạc trắng do sợ hãi hoặc căng thẳng. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa phân biệt được liệu hội chứng này có thật hay không.
Trong số các trường hợp mắc Canities subita, nổi tiếng nhất vẫn là Hoàng hậu Pháp. Mái tóc nâu của hoàng hậu trẻ tuổi đã bạc trắng sau khi nỗ lực trốn khỏi Pháp trong thời kỳ Cách mạng thất bại. Mặc dù Antoinette thời trẻ rất thích rắc phấn lên tóc và đội tóc giả màu trắng nhưng bà không hài lòng về sự thay đổi này.
Ngoài ra, còn có trường hợp một người đàn ông bạc trắng tóc vào sáng hôm bị hành quyết, hay một người lính trẻ cũng bạc đầu sau một đêm khi vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Những trường hợp hội chứng Marie Antoinette kể trên về mặt khoa học dường như là không thể xảy ra. Tuy nhiên, có hàng chục trường hợp ghi nhận màu tóc thay đổi đột ngột, trong số đó những trường hợp có sự chứng kiến của bác sĩ. Điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi hội chứng Marie Antoinette có thật không.
Bạc tóc sau cuộc trốn chạy bất thành
Vào ngày 20/6/1791, các thành viên Hoàng gia Pháp chạy trốn khỏi Paris khi bị những người cách mạng săn đuổi. Marie Antoinette đã thúc giục chồng mình là Vua Louis XVI cưỡi ngựa tới các vùng lãnh thổ do anh trai bà là Hoàng đế Joseph II kiểm soát. Một đội quân 10.000 người vẫn trung thành với chế độ quân chủ sẽ giúp các thành viên hoàng gia giành lại ngai vàng.
Cải trang thành một nữ gia sư và một người hầu, Hoàng hậu và Nhà vua đã rời Paris. Họ cưỡi ngựa suốt đêm, hy vọng có thể tới chỗ các đồng minh trước khi bị bắt. Nhưng tin tức về cuộc chạy trốn đã nhanh chóng lan ra. Vệ binh quốc gia của Pháp bắt đầu tìm kiếm các thành viên hoàng gia.
Tại thành phố Varennes, một người quản lý bưu điện đã tình cờ gặp Nhà vua cải trang sau lúc nửa đêm. Người này giơ một tờ tiền có hình mặt Nhà vua lên so sánh và thấy giống không thể phủ nhận được. Bị một nhóm lính canh và người dân có vũ khí áp giải, Vua Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette buộc phải trở về Paris.
Cả hai sẽ không bao giờ có thể rời thành phố một lần nữa. Nhà vua sẽ phải đối mặt với một phiên tòa xét xử tội phản quốc và bị xử tử vào năm 1793. Không lâu sau đó tới lượt Hoàng hậu Marie Antoinette.
Tuy nhiên, khi quay trở lại Paris, Marie Antoinette không phải là người phụ nữ đã bỏ trốn vào đêm 20/6. Qua một đêm, mái tóc của bà đã chuyển sang gam màu trắng gây sốc.
Henriette Campan, thị nữ của Hoàng hậu, đã xác nhận sự thay đổi. Người này nói: “Lần đầu tiên tôi nhìn thấy Hoàng hậu sau thảm họa không may trong hành trình tới Varennes… Các nét mặt của bà không thay đổi nhiều lắm; nhưng sau những lời hỏi thăm tôi tử tế, Hoàng hậu đã bỏ mũ xuống và muốn tôi quan sát những gì mà nỗi đau đã gây ra với mái tóc của bà”.
Thị nữ Campan kể lại: “Chỉ trong một đêm, tóc đã trở nên trắng như tóc một phụ nữ bảy mươi tuổi”. Khi đó, Marie Antoinette mới 35 tuổi.
Hoàng hậu cho thị nữ xem một chiếc nhẫn với một lọn tóc trắng như tuyết của bà. Chiếc nhẫn được khắc dòng chữ “Bạc trắng vì đau buồn”.
Những trường hợp khác
Hoàng hậu Marie Antoinette không phải là trường hợp đầu tiên và cuối cùng mắc hội chứng Canities subita trong lịch sử.
Nhiều thế kỷ trước Cách mạng Pháp, tóc của nhà nhân văn và luật sư Thomas More cũng bạc trắng chỉ sau một đêm. Ông More không chấp nhận việc Vua Henry VIII của nước Anh chấm dứt cuộc hôn nhân đầu tiên và rời khỏi Giáo hội Công giáo.
Khi bị nhà vua yêu cầu thực hiện Lời thề Tối cao, More không thực hiện mà thay vào đó, ông đã chọn nhà tù và hành quyết. Vào đêm trước khi bị hành quyết năm 1535, tóc của More đột nhiên trở nên bạc trắng.
Tiếp đó là Mary, Nữ vương Scotland. Bà đã đến khu vực hành quyết vào năm 1587 với màu tóc mới. Sau khi con trai đồng ý hành quyết bà, tóc của Nữ vương Mary trở nên bạc trắng trong đêm cuối cùng của cuộc đời bà.
Nhân chứng tên là Pierre de Bourdeille viết: “Không phải tuổi già đã khiến tóc bà trở nên bạc trắng mà là những rắc rối, bất hạnh và nỗi buồn mà bà đã phải chịu đựng, đặc biệt là khi ở trong tù”.
Trường hợp xa xưa nhất được ghi nhận về hội chứng Marie Antoinette diễn ra cách đây gần 2.000 năm. Một học giả tuổi thiếu niên gia nhập học viện Talmud ở Israel đã lo lắng rằng mình quá trẻ và trông có vẻ như chưa sẵn sàng cho công việc nghiên cứu nghiêm túc. Ngày hôm sau, tóc người này đã bạc trắng. Học giả Do Thái thời Trung cổ Maimonides cho rằng việc nghiên cứu căng thẳng đã gây biến đổi màu tóc.
Nhiều trường hợp hiện đại hơn có sự chứng kiến của các thầy thuốc. Năm 1915, có một lính Pháp suýt chết do nổ mìn trong một trận chiến thuộc Thế chiến thứ nhất. Báo Scientific American đưa tin: “Anh lính được đưa đến bệnh viện Anh tại Arc-en-Barrois. Tại đây, vào ngày hôm sau anh lính ngạc nhiên khi thấy những mảng tóc trắng ở bên trái đầu”.
Năm 1902, một bác sĩ tại Bệnh viện Temperance ở London đã điều trị cho một phụ nữ trẻ vừa chứng kiến cảnh một người bị cắt cổ và nạn nhân chết ngay dưới chân mình. Một nửa lông mu của bệnh nhân này đã chuyển sang màu trắng.
Các giải thích về hội chứng
Ví dụ nổi tiếng nhất về hội chứng bạc tóc là Hoàng hậu Marie Antoinette đã khiến các nhà khoa học bối rối trong nhiều thế kỷ. Mặc dù tóc có thể bạc trắng theo tuổi tác, nhưng liệu có thể thực sự thay đổi trong một đêm?
Theo ông Desmond Tobin, giáo sư khoa học da liễu tại Đại học Dublin, hội chứng Marie Antoinette là bất khả thi. Ông Tobin giải thích: “Tóc không có tế bào sống. Căng thẳng tâm lý xã hội không thể ảnh hưởng đến sợi tóc đã hình thành, nó chỉ có thể ảnh hưởng đến các sợi tóc khi chúng đang mọc”.
Vậy tại sao tóc một số người lại bạc trắng sau một đêm? Trong trường hợp của Marie Antoinette, một giả thuyết cho rằng bà đã nhuộm tóc trước khi bỏ trốn khỏi Paris.
Một tình trạng khác cũng có thể giải thích cho hội chứng Marie Antoinette. Những người bị rụng tóc từng mảng có thể bị rụng tóc đột ngột. Và tóc có sắc tố dễ bị rụng hơn. Có lẽ sự căng thẳng trong quá trình hành quyết đã khiến Thomas More mất đi các sợi tóc nâu sẫm, chỉ còn lại tóc màu trắng, khiến mái tóc ông trông như đổi màu chỉ sau một đêm.
Một nghiên cứu năm 2020 trên tạp chí Nature đưa ra một cách giải thích khác. Tình trạng căng thẳng ở chuột có thể phá hủy các tế bào sản xuất sắc tố trên lông. Những con chuột đang căng thẳng đột nhiên có những mảng lông trắng. Nghiên cứu và các báo cáo của bác sĩ cho thấy bạc trắng tóc là có thể xảy ra. Vậy điều này có thể thực sự xảy ra sau một đêm không? Có lẽ chỉ trong những tình huống cực đoan như tình huống của chính Hoàng hậu Marie Antoinette.