Xét nghiệm chất thải với hy vọng phát hiện sớm virus SARS-CoV-2

Từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, các chuyên gia tại một số thành phố hoặc quốc gia trên thế giới đã bắt đầu xét nghiệm chất thải, với hy vọng phát hiện sớm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Anh làm nhiệm vụ tại một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Liverpool. Ảnh: THX/TTXVN

Virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan qua các giọt nước bọt bắn từ ra người bệnh, song cũng có thể qua chất thải của con người. Hiện một số nhà nghiên cứu đang chuyển sang hướng tiến hành xét nghiệm chất thải trong hệ thống xả thải của các bệnh viện hoặc tòa nhà khác nhằm sớm phát hiện ổ dịch COVID-19, từ đó tiến hành biện pháp xét nghiệm và cách ly để ngăn dịch tiếp tục lây lan. 

Tại Anh, nhóm các nhà nghiên cứu tham gia dự án do chính phủ tài trợ đã tiến hành thu thập mẫu chất thải tại 20 trường trung học ở thủ đô London. Nhóm dự kiến sẽ mở rộng lấy mẫu tại ít nhất 70 trường.

Tại tỉnh Alberta (Canada), nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Calgary đang lấy mẫu chất thải của 3 bệnh viện địa phương, trong đó có một bệnh viện từng là ổ dịch COVID-19 khiến 12 người tử vong.

Trong khi đó, tại Mỹ, công ty dịch vụ chuyên nghiệp GHD đã lập cơ sở xét nghiệm chất thải tại một số ký túc xá của trường đại học và mới đây bắt đầu quảng cáo dịch vụ này cho các viện dưỡng lão.

Phương pháp xét nghiệm chất thải được đánh giá là rẻ hơn, có thể được tiến hành thường xuyên hơn và ít xâm lấn hơn so với lấy dịch mũi họng của hàng trăm người. Phương pháp này rất cần thiết ở các trường học, bệnh viện và nhà dưỡng lão trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh trở lại tại nhiều nước trên thế giới.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và chưa rõ phương pháp xét nghiệm này có đem lại hiệu quả hay không. Không phải chất thải của bệnh nhân COVID-19 nào cũng chứa virus SARS-CoV-2 và giới nghiên cứu vẫn bất đồng về thời điểm cơ thể bệnh nhân đào thải virus ra bên ngoài. Tuy nhiên, nếu phát hiện được virus nguy hiểm này tồn tại trong hệ thống xả thải của một tòa nhà, cơ quan chức năng có thể nhanh chóng triển khai biện pháp dập dịch.

Chẳng hạn, tại Đại học Arizona, kết quả xét nghiệm mẫu chất thải lấy từ một ký túc xá cho kết quả dương tính ngày 25/8 vừa qua. Một ngày sau đó, trường đại học này đã bắt đầu xét nghiệm cho các sinh viên. Kết quả là hai sinh viên dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã được nhanh chóng cách ly, ngăn chặn nguy cơ bùng phát ổ dịch mới.

Nguyễn Hằng (TTXVN)
Các quốc gia Đông Nam Á vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19
Các quốc gia Đông Nam Á vẫn ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới COVID-19

Ngày 13/11, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 5.444 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia Đông Nam Á này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN