Xây dựng CNXH trên “Hòn đảo tự do”

Hơn nửa thể kỷ đã trôi qua kể từ khi đoàn quân khởi nghĩa dưới sự chỉ hủy của Tổng Tư lệnh Fidel Castro tiến vào thủ đô La Habana, đánh đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista, đưa Cuba trở thành một đất nước độc lập, tự do hoàn toàn. Trải qua vô vàn khó khăn, thử thách trước sức ép của cuộc bao vây cấm vận do Mỹ áp đặt, cũng như những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, song cách mạng Cuba vẫn hiên ngang nơi “đầu sóng ngọn gió”, tiếp tục vững bước trên chặng đường mới xây dựng và phát triển đất nước.


Kiên định con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội


Ngày 1/1/1959 trở thành một mốc son chói lọi, tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử đương đại của đất nước Cuba khi nhân dân nước này thực sự bước vào thời kỳ độc lập, tự do, tự quyết định vận mệnh phát triển của hòn đảo tươi đẹp này. Chính quyền cách mạng ngay lập tức đã triển khai một loạt các chính sách xã hội vì lợi ích của nhân dân, hướng đất nước đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội.

 

Cuba miễn phí hoàn toàn giáo dục từ phổ thông cho tới bậc đại học.


Việc cách mạng Cuba thành công, trở thành ngọn cờ đầu của phong trào cánh tả Mỹ Latinh, khi đó đã trở thành một “cái gai” trong mắt của chính quyền Mỹ, cũng như của nhiều đời Tổng thống Mỹ sau này. Washington tìm mọi cách để tiêu diệt chính quyền cách mạng Cuba non trẻ, song mọi âm mưu lật đổ đều thất bại trước sức mạnh đoàn kết của nhân dân Cuba. Tiếp đó, chính quyền Mỹ đã áp đặt lệnh bao vây cấm vận toàn diện chống Cuba kéo dài cho tới tận ngày nay, gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc đảo Caribe này hơn 1.000 tỷ USD. Sự kiên định, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn, thách thức của nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Raul Castro cuối cùng đã buộc Mỹ phải thừa nhận rằng đến nay chính sách cấm vận, cô lập đã lỗi thời, không thể lay chuyển được con thuyền cách mạng Cuba vững bước.


Bằng sức sáng tạo và sự kiên định trên con đường đã chọn, nhân dân Cuba không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, mà còn đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước. Từ điểm xuất phát thấp về trình độ phát triển, Cuba đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước đang phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và thể thao. Cuba luôn chú trọng đào tạo đội ngũ y bác sỹ có trình độ cao, đồng thời thiết lập được một hệ thống y tế bài bản ở tất cả các cấp, qua đó tạo điều kiện cho người dân có thể tiếp cận ngay cơ sở y tế khi cần thiết. Kể từ khi cách mạng Cuba thành công đến nay, Cuba đã đào tạo được khoảng 130.000 bác sỹ và 96.000 y tá. Hệ thống y tế và mạng lưới các trường y, dược không ngừng được mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa. Tuổi thọ trung bình 78 tuổi của người dân, cũng như tỷ lệ tử vong ở trẻ em 0,42% đã đặt Cuba vào nhóm các nước dẫn đầu thế giới trong nhiều năm qua.


Về giáo dục, với những chính sách ưu việt của chủ nghĩa xã hội, Cuba đã tạo điều kiện cho mọi trẻ em được đến trường và được giáo dục hoàn toàn miễn phí từ phổ thông cho tới bậc đại học. Ngoài ra Cuba còn tiếp nhận hàng chục nghìn sinh viên nước ngoài tới học tại các trường đại học ở hòn đảo này trong suốt hơn 50 năm qua. Cuba được Tổ chức Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xếp thứ 14 trên thế giới về chỉ số phát triển giáo dục cho mọi người. Ngoài ra, nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ đã được Hòn đảo Tự do hoàn tất trước thời hạn.


Mặc dù vậy, Cuba cũng đã phải trải qua vô vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Trong những năm tháng cực kỳ khó khăn của thời kỳ đặc biệt, Đảng và nhà nước Cuba vẫn giữ vững lòng tin vào con đường đã chọn, kiên định lý tưởng và mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội, vượt qua mọi chông gai bão táp của thời cuộc. Nhân dân Cuba đã nêu tâm gương kiên cường về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết tâm từng bước làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại, vững bước tiến lên xây dựng đất nước ổn định, vững mạnh.


Hướng đi tất yếu


Trong bối cảnh đó, Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Cuba diễn ra vào tháng 4/2011 đã mở ra một giai đoạn mới với mục tiêu không chỉ giữ vững những thành quả của cách mạng mà còn đưa đất nước phát triển kinh tế một cách bền vững. Hàng loạt các chính sách kinh tế mới đã được chính phủ Cuba đưa vào áp dụng trên cơ sở lộ trình cập nhật mô hình kinh tế nhằm tạo ra những thay đổi cần thiết giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, đặc biệt là những biện pháp mở rộng mô hình kinh tế tự doanh, cắt giảm lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nhà nước, giảm và hướng tới xóa bỏ những chế độ bao cấp không cần thiết, thực hiện chính sách thu thuế mới, xóa bỏ những rào cản đối với lực lượng sản xuất…


Gần 3 năm kể từ khi Nghị quyết Đại hội 6 được chính thức đưa vào cuộc sống, nền kinh tế Cuba đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Bất chấp sức ép của chính sách bao vây cấm vận của Mỹ, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng của Cuba năm 2013 đã đạt mức 2,7%. Các biện pháp cải cách được tiến hành trên cơ sở dựa vào các doanh nghiệp nhà nước như là trụ cột của hệ thống kinh tế nhưng đồng thời cũng mở ra không gian hoạt động cho các hình thức sở hữu khác như hợp tác xã và tự doanh. Gần 500.000 người đã tham gia vào các hoạt động kinh tế tự doanh, tạo ra một thị trường có thêm nhiều sự lựa chọn hơn cho người tiêu dùng và điều đặc biệt là tất cả những người tham gia hoạt động kinh tế tư nhân tại Cuba đều được hưởng bảo hiểm xã hội. Mới đây nhất, Quốc hội Cuba đã thông qua Bộ luật Lao động mới, trong đó bổ sung thêm thành phần kinh tế tự doanh và có điều chỉnh những qui định về mối quan hệ giữa cấp quản lý và người lao động cho phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Ngoài ra, Bộ luật này cũng đề cập tới mối quan hệ sản xuất mới bắt đầu xuất hiện trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình cập nhật mô hình kinh tế.


Trong khi đó, chính sách phát triển nông nghiệp vẫn tiếp tục được thúc đẩy một cách mạnh mẽ trên tinh thần phát huy sản xuất trong nước để thay thế nguồn lương thực nhập khẩu đang tiêu tốn gần 2 tỷ USD hàng năm. Chính phủ Cuba cũng từng bước phát triển các dự án nghiên cứu, đầu tư để bảo đảm thực hiện thành công các chương trình sản xuất nông nghiệp, trong đó canh tác lúa, đậu tương và ngô, các loại lương thực không thể thiếu trong khẩu phần của mỗi gia đình Cuba. Theo kế hoạch, Cuba sẽ đầu tư khoảng 450 triệu USD từ nay cho đến năm 2016 để thúc đẩy sản xuất lúa gạo với hy vọng sẽ tự cung cấp được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ nhằm bảo đảm an ninh lương thực.


Một hướng đi mới mà chính phủ Cuba đang gấp rút hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào hoạt động trong thời gian tới là việc mở cửa Khu Phát triển Đặc biệt tại cảng Mariel với mục tiêu thu hút nguồn vốn nước ngoài, sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó, chính phủ Cuba dự kiến sẽ thông qua luật đầu tư nước ngoài mới, mang tính cởi mở hơn vào cuối quí I/2014 để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Cuba. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong tương lai khu cảng Mariel sẽ trở thành một trong những trục thương mại lớn của khu vực Mỹ Latinh và Caribe.


Đúng như lời khẳng định của Chủ tịch Raul Castro tại kỳ họp Quốc hội mới đây, kỷ niệm 55 năm cách mạng thành công cũng là thời điểm Cuba đang hoàn tất giai đoạn đầu tiên của lộ trình cập nhật mô hình kinh tế, từng bước từ bỏ cách nhìn ngắn hạn do áp lực buộc phải thay đổi để đưa ra những chương trình, kế hoạch mang tính dài hơi dựa trên cơ sở vững chắc và sự tin tưởng vào tương lai phát triển của đất nước. Thành công sẽ chỉ đạt được nếu các bước đi được tính toán kỹ lưỡng, thực hiện một cách kiên trì và bền bỉ.

 

Hoài Nam(P/v TTXVN tại Cuba)

Cuba tiếp tục lộ trình cập nhật mô hình kinh tế chắc chắn
Cuba tiếp tục lộ trình cập nhật mô hình kinh tế chắc chắn

Ngày 21/12, kỳ họp thứ hai Quốc hội Cuba khóa 8 đã bế mạc tại Cung Hội nghị ở thủ đô La Habana với việc thông qua Luật Lao động và Luật Ngân sách năm 2014. Chủ tịch Cuba Raul Castro và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã tham dự phiên họp quan trọng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN