Bà Okonjo-Iweala đưa ra nhận định trên tại buổi họp báo ngày 14/6, trong bối cảnh đang diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 của WTO (MC12) tại Geneva (Thụy Sĩ).
Trong các cuộc họp kín những ngày gần đây, các nhà đàm phán đã cố gắng để đưa ra được một dự thảo cuối cùng về vấn đề cắt giảm trợ cấp đánh bắt cá, trong đó số nội dung chưa thống nhất được đã giảm xuống con số 11, so với hơn 80 nội dung vào thời điểm cách đây 1 năm.
Mỗi năm, các nước trên thế giới chi khoảng 35,4 tỷ USD để trợ cấp cho các hoạt động đánh bắt cá, theo đó đe dọa các nguồn dự trữ cá tự nhiên và ngành ngư nghiệp. Hầu hết các chính phủ đều đồng ý rằng cần bảo vệ nguồn dự trữ cá trên biển vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng và thiết yếu với hàng triệu người dân ven biển trên thế giới. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về vấn đề trợ cấp sao cho hợp lý, tránh tiếp tay cho hoạt động khai thác tận diệt, vẫn bế tắc trong một loạt vấn đề, trong đó có đề nghị áp dụng một số quy chế miễn trừ đặc biệt đối với các quốc gia nghèo nhất và các quốc gia đang phát triển.
Trên thực tế, nhiều nước trong số các nước khai thác cá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia đang phát triển. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Shri Piyush Goyal đề xuất quá trình chuyển tiếp 25 năm để đảm bảo cho phát triển bền vững và tương lai của những ngư dân thu nhập thấp tại quốc gia này.
Một số ý kiến, trong đó có Ủy viên về môi trường của Liên minh châu Âu (EU) Virginijus Sinkevičius, vẫn lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận tại các cuộc đàm phán lần này.
Theo bản dự thảo thỏa thuận, tiến độ đạt được trong những tuần gần đây còn bao gồm một thỏa thuận về quy định treo cờ trên tàu. Các bộ trưởng thương mại sẽ tiếp tục đàm phán về các vấn đề liên quan an ninh lương thực và miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19.