WHO tuyên bố COVID-19 bước vào làn sóng thứ 3; Bước tiến tiêm chủng bị đảo ngược

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn đầu của làn sóng thứ 3 khi biến thể Delta đang khiến số ca mắc tăng đột biến, phá vỡ các bước tiến mà tiêm chủng đạt được. 

Chú thích ảnh
Thợ đào huyệt mặc trang phục bảo hộ, chôn lấp quan tài của bệnh nhân COVID-19 trong khu ng nghĩa trang ở ngoại ô Jakarta, Indonesia ngày 8/7. Ảnh: Reuters 

Kênh truyền hình RT dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/7 cho hay số bệnh nhân mắc COVID-19 trên toàn cầu đã tăng lên suốt 4 tuần liên tiếp vừa qua, với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang hiện diện tại 111 quốc gia, và số ca tử vong tiếp tục tăng lên sau 10 tuần liên tiếp suy giảm. 

Phát biểu trước Ủy ban Khẩn cấp của WHO về đại dịch COVID-19, ông Tedros cho biết biến thể Delta đang được “châm ngòi nổ” bởi sự nới lỏng xã hội cũng như việc triển khai không nhất quán các biện pháp y tế công cộng.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người trên thế giới, và người đứng đầu WHO nhận thấy biến thể Delta đang trở thành chủng virus thống trị toàn cầu. 

Tại Nga ngày 14/7 đã chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 hàng ngày cao kỷ lục lên đến 786 ca. Trong khi đó tại Anh, số ca mắc mới đang ở mức cao nhất trong 6 tháng qua. Ở quốc gia Đông Nam Á Indonesia, nơi tỷ lệ mắc gần như nhảy vọt gấp 7 lần so với tháng trước, người dân còn phải hỗ trợ những người làm nghề đào huyệt để có thể chôn kịp thời các bệnh nhân COVID-19, khi số ca tử vong hàng ngày đều xấp xỉ 1.000 người. 

“Khi tỷ lệ tiêm chủng gia tăng ở châu Âu và Bắc Mỹ bắt đầu phát huy hiệu quả, chúng tôi đã nhận thấy sự sụt giảm liên tục về số ca mắc và tử vong. Thật không may, những xu hướng đó hiện đã bị đảo ngược và chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba”, ông Tedros nói.  

Ông cho rằng việc không được tiếp cận với vaccine đã khiến phần lớn dân số thế giới dễ bị nhiễm virus. Trong khi một số quốc gia có nguồn cung cấp vaccine dồi dào đã dỡ bỏ các hạn chế về giãn cách xã hội và mở cửa trở lại, thì nhiều quốc gia vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vaccine COVID-19 nào và đa số các nước hiện không có đủ vaccine để dùng.

Theo ông, quy mô của sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu COVAX vẫn còn quá nhỏ bé khi mới chỉ vận chuyển được hơn 100 triẹu liều. Để đạt được mục tiêu của WHO về việc tiêm ngừa ít nhất 10% dân số mỗi nước vào tháng 9 tới, 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022, thế giới phải đến 11 tỷ liều vaccine. Các quốc gia G7 đã cam kết tặng chung 1 tỷ liều vaccine vào năm sau, tuy nhiên, người đứng đầu WHO khẳng định họ cần thực hiện nhiều hơn và nhanh hơn nữa. 

Ông từng nói rằng thật nguy hiểm nếu như các nước giàu nghĩ rằng COVID-19 không còn là vấn đề của họ khi họ đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao, đồng thời cho rằng sự thiển cận như vậy sẽ kéo dài tình cảnh “làm con tin của virus”. 

Theo những số liệu thống kê chính thức do Our World In Data công bố, đến ngày 13/7, hơn 25,6% dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Tỉ lệ này đã tăng 3,2% so với thời điểm thống kê cách đây 2 tuần. Trung bình mỗi ngày có gần 30 triệu người đã được tiêm vaccine. Tổng cộng, đã có 3,51 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu.

Hiện mới chỉ có 1% số người dân ở các quốc gia thu nhập thấp đã được tiêm vaccine, tăng chút ít so với con số thống kê 0,9% ghi nhận cách đây hai tuần. Tính đến thời điểm này, quốc gia đã tiêm nhiều mũi vaccine COVID-19 nhất là Trung Quốc, với hơn 1 tỷ liều. Tiếp đó là Ấn Độ - với 387,7 triệu liều, nhiều hơn khoảng 50 triệu liều vaccine so với Mỹ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Taliban đặt điều kiện ngừng bắn tại Afghanistan
Taliban đặt điều kiện ngừng bắn tại Afghanistan

Ngày 15/7, nhóm tay súng Hồi giáo Taliban đã đặt điều kiện để chấp thuận ngừng bắn trong vòng 3 tháng tại Afghanistan, trong bối cảnh giao tranh đang leo thang ở quốc gia Tây Nam Á này khi liên quân Mỹ và NATO rút quân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN