“Chúng ta sẽ không có đủ liều vaccine để thực hiện việc tiêm chủng một cách hiệu quả nhằm ngăn chặn một làn sóng gia tăng các ca mắc mới trong ít nhất ba đến sáu tháng nữa”, ông Michael Ryan – người đứng đầu Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO – trả lời trong một sự kiện hỏi đáp trực tuyến ngày 2/12.
Trước khi tiêm chủng diện rộng có thể được triển khai, ông Ryan cảnh báo số ca mắc COVID-19 mới sẽ “tăng vọt trở lại”, thậm chí đối với cả các quốc gia đang được cho là “giành chiến thắng trong cuộc chiến chống COVID-19”.
“Chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng dịch bệnh khác trước khi thế giới có đủ vaccine, nhiều người sẽ chết và các nhân viên y tế sẽ kiệt sức”, ông Ryan lưu ý.
Các tuyên bố được đưa ra ngay sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vaccine phòng ngừa COVID-19. Chính phủ Anh nêu rõ đã chấp thuận đề nghị của Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phấm y tế của Anh (MHRA), phê duyệt cho sử dụng vaccine phòng COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. Theo đó, vaccine này sẽ được lưu hành tại Anh từ tuần tới.
Trong khi đó, tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết nước này sẽ khởi động chương trình tiêm chủng hàng loạt vào cuối tuần tới.
Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay chính quyền của ông sẽ phân phối vaccine ngừa COVID-19 tới các bang từ tuần sau, ưu tiên sử dụng trước cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo dữ liệu của WHO, hiện có 51 ứng viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng trên người và 163 vaccine khác đang được đánh giá tiền lâm sàng.
Trong bài phát biểu kết thúc cuộc họp báo của WHO ngày 2/12, ông Ryan nhấn mạnh vaccine không phải là "phương án thay thế" cho các biện pháp y tế công cộng được triển khai để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tính đến 11h ngày 3/12, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận tổng cộng 64.838.896 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 1,5 triệu trường hợp tử vong.