Theo trang The Guardian (Anh), cơ quan điều phối cảnh sát toàn cầu, có trụ sở tại Pháp, hôm 2/12 cho biết họ đã phát cảnh báo cam cho các lực lượng cảnh sát ở 194 quốc gia thành viên rằng vaccine có thể là đối tượng bị các băng đảng nhắm mục tiêu cả ngoài đời thực và trực tuyến.
Cơ quan cho biết đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng “các hành vi tội phạm cơ hội và trấn lột chưa từng có” và cảnh báo về một làn sóng hoạt động tội phạm mới “liên quan đến việc làm giả, đánh cắp và quảng cáo bất hợp pháp vaccine COVID-19”.
Interpol kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý y tế và thực thi pháp luật khi vaccine ngừa COVID-19 tiến gần hơn đến giai đoạn phê duyệt và phân phối, để đảm bảo an toàn cho chuỗi cứng ứng và xác định các trang web bán hàng giả bất hợp pháp.
“Khi các chính phủ chuẩn bị triển khai chương trình tiêm chủng hàng loạt, các băng nhóm tội phạm đang lên kế hoạch xâm nhập hoặc phá vỡ chuỗi cung ứng. Đồng thời, chúng cũng nhắm mục tiêu đến người dân thông qua các trang web giả mạo và phương pháp chữa trị sai lệch, có thể gây ra rủi ro đáng kể cho sức khoẻ, thậm chí tính mạng của họ”, ông Jurgen Stock, Tổng thư ký Interpol, ra tuyên bố tại Pháp hôm 2/12.
Ông Jurhen cho rằng điều quan trọng là các cơ quan thực thi pháp luật phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhất trước cuộc tấn công dữ dội có thể xảy ra của tất cả hành vi phạm tội liên quan đến vaccine COVID-19.
Cơ quan này cũng cho biết các tổ chức tội phạm cũng có nhiều khả năng bắt đầu sản xuất và phân phối các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 “trái phép và giả mạo”, trong bối cảnh các hãng hàng không cũng như cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ngày càng thắt chặt yêu cầu hành khách trình hồ sơ du lịch quốc tế, trong đó có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Interpol cũng cảnh báo công chúng cần đặc biệt lưu ý khi lên mạng tìm kiếm thiết bị y tế hoặc thuốc men. Cơ quan cho rằng mọi người có thể phải đối mặt với mối nguy hiểm không chỉ từ các sản phẩm đe dọa tính mạng mà còn từ các mối đe dọa mạng.
Đơn vị tội phạm mạng của Interpol gần đây cũng đã điều tra khoảng 3.000 trang web dược phẩm trực tuyến bị nghi ngờ bán các sản phẩm bất hợp pháp. Kết quả điều tra cho thấy hơn 1.700 chứa phần mềm độc hại lừa đảo hoặc thư rác.
“Điều quan trọng là phải cảnh giác, hoài nghi vì những lời đề nghị có vẻ hấp dẫn đến mức khó tin”, tuyên bố của Interpol viết.
Hiện nay, thế giới có nhiều công ty khác nhau cùng tham gia vào cuộc đua phát triển vaccine phòng dịch COVID-19. Trong số đó, có nhiều ứng viên đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, bao gồm vaccine của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức, Ấn Độ.
Ngày 2/12, Anh đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt lưu hành vaccine ngừa COVID-19, khi cấp phép sử dụng vaccine do hãng Pfizer của Mỹ và hãng BioNTech của Đức đồng phát triển. Trước đó, ngày 18/11, Pfizer và BioNTech đã công bố kết quả thử nghiệm cuối cùng, theo đó, vaccine tiềm năng do hai hãng phối hợp phát triển có thể đạt hiệu quả phòng ngừa COVID-19 tới 95% mà không gây quan ngại lớn nào về độ an toàn.