Trong thống kê toàn cầu mới nhất, WHO cho biết trong tuần lễ kết thúc vào ngày 20/9, ước tính có 1.998.897 ca nhiễm mới trên toàn thế giới. Con số này tăng 6% so với tuần trước đó và là số ca nhiễm mới trong tuần cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. WHO cho biết gần như toàn bộ tất cả khu vực trên thế giới đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng lên trong tuần trước, với châu Âu và châu Mỹ lần lượt có số ca nhiễm mới tăng ở mức 11% và 10%. Chỉ duy nhất có châu Phi vẫn ít chịu tác động hơn của đại dịch khi có số ca nhiễm mới giảm 12% so với tuần trước đó. WHO nhấn mạnh dù số ca tử vong mới đang có dấu hiệu đi xuống, song số ca nhiễm mới lại tăng lên tại đa số các khu vực trên thế giới.
Theo WHO, tuần trước, ước tính có 37.700 ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới, giảm 10% so với tuần trước. Nguyên nhân chính là do tại châu Mỹ, khu vực vốn chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh, có số ca tử vong mới giảm 22% so với tuần trước đó, trong khi số ca tử vong tại châu Phi giảm 16%. Tuy nhiên, châu Mỹ vẫn chiếm một nửa trong tổng số các ca nhiễm và 55% số ca tử vong trên thế giới. Số ca tử vong mới giảm tại Colombia, Mexico, Ecuador và Bolivia là nhân tố chính giúp giảm bớt số ca tử vong trong khu vực. Mỹ và Brazil, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19, tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao nhất với mỗi nước có hơn 5.000 ca tử vong mới trong tuần qua.
Trong khi đó, châu Âu, nơi một số quốc gia đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ hai, đã ghi nhận số ca tử vong mới lên tới hơn 4.000 ca trong tuần trước, tăng 27% so với tuần trước đó. Tại châu Âu, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Anh đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong tuần qua, trong khi Hungary và Đan Mạch lại có số ca tử vong tăng cao nhất. Anh tiếp tục là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với gần 42.000 ca kể từ đại dịch bùng phát.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 16h30 ngày 22/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 31.505.329 ca nhiễm và 969.771 ca tử vong do COVID-19.