Xung đột Hamas - Israel:

WHO cảnh báo hậu quả khi giao tranh tái diễn, việc ngừng bắn lâu dài phụ thuộc vào ý chí của các bên

Ngày 29/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ cao giao tranh tái diễn giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas khi lệnh ngừng bắn tạm thời kết thúc sau 6 ngày thực thi.

Chú thích ảnh
Một bệnh viện bị hư hại sau cuộc tấn công của Israel tại Gaza ngày 9/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Tổ chức này cũng nhấn mạnh việc chấm dứt xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo hoàn toàn có thể thực hiện được nếu các bên có ảnh hưởng “thực sự nghiêm túc” xem xét vấn đề này.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 29/11, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hai bên nhiều khả năng sẽ nối lại giao tranh, khi lệnh ngừng bắn hiện tại hết hiệu lực. Ông nêu rõ: “Tôi thực sự tin rằng việc tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo, hoặc thậm chí là một lệnh ngừng bắn hoàn toàn, có thể thực hiện được nếu các bên có tầm ảnh hưởng có thể thực hiện điều này một cách nghiêm túc. Đây là vấn đề ý chí". 

Theo ông Tedros, thời gian tạm dừng giao tranh đã cho phép WHO tăng cường vận chuyển vật tư y tế đến Dải Gaza và điều chuyển bệnh nhân từ Al-Shifa - bệnh viện lớn nhất tại Dải Gaza - đến các bệnh viện khác ở phía Nam khu vực này. Ông cho biết: “Mối quan tâm lớn nhất của WHO vẫn là hỗ trợ để hệ thống y tế và nhân viên y tế của Gaza hoạt động”.

Theo người đứng đầu WHO, hệ thống y tế tại Dải Gaza đã tê liệt hoàn toàn. Hiện chỉ có 15 trong số 36 bệnh viện ở Dải Gaza đang hoạt động đầy đủ, nhưng đã hoàn toàn quá tải. Ở khu vực phía Bắc Gaza, chỉ có 3 trong số 25 bệnh viện duy trì hoạt động ở mức cơ bản nhất, nhưng tại đây thiếu nước, nhiên liệu và lương thực.

Theo ông Richard Peeperkorn - đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine, trước khi xảy ra cuộc xung đột hiện nay, Dải Gaza có 3.500 giường bệnh nhưng chỉ có 1.500 giường trống, do đó cần bổ sung ngay lập tức số giường bệnh tại các bệnh viện vẫn đang hoạt động, với mức cần thiết ước tính là 5.000 giường bệnh. Ông nhấn mạnh bất kỳ sự tái diễn bạo lực nào cũng có thể gây thiệt hại cho các cơ sở y tế và khiến nhiều cơ sở y tế khác ngừng hoạt động. Ông nói “Không thể để tiếp tục mất thêm giường bệnh tại Dải Gaza". 

Trong khi đó, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan tỏ ra bi quan rằng các lực lượng hỗ trợ y tế khẩn cấp không thể bù đắp năng lực đã mất trong hệ thống y tế Gaza. Ông khẳng định: “Ngay cả khi hòa bình được thiết lập, chúng ta vẫn còn một thách thức lớn trước mắt: một thách thức cực kỳ to lớn về sức khỏe cộng đồng và cung cấp dịch vụ y tế”.

Cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát ngày 7/10 vừa qua. Theo con số thống kê chính thức của hai bên, khoảng 1.200 người tại Israel thiệt mạng trong khi con số thương vong ở Dải Gaza là gần 15.000 người, chủ yếu là dân thường. Các vụ bắn tên lửa, pháo kích và giao tranh trên bộ đã biến phần lớn khu vực phía Bắc Dải Gaza thành đống đổ nát.

Thanh Phương (TTXVN)
Xung đột Hamas - Israel: Tuần hành tại Nam Phi kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn   
Xung đột Hamas - Israel: Tuần hành tại Nam Phi kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn   

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, nhân Ngày Quốc tế đoàn kết với Nhân dân Palestine 29/11, thành viên của các đảng chính trị tại Nam Phi, các tổ chức xã hội đã tổ chức tuần hành tại thành phố Johannesburg kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn ở Dải Gaza.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN