WHO cảnh báo các biến thể mới đe dọa châu Phi 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn do sự xuất hiện của các các biến thể có tốc độ lây lan nhanh hơn, đặc biệt là biến thể Delta.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 9/9, Văn phòng WHO khu vực châu Phi, đặt trụ sở tại thủ đô Brazzaville của Congo, cho biết số ca nhiễm hằng tuần tại châu Phi đã giảm hơn 20%, mức giảm theo tuần mạnh nhất trong hai tháng qua, khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang giảm dần. Tuy nhiên, tốc độ giảm lại chậm hơn các làn sóng trước do các tác động của những biến thể lây lan nhanh hơn. Châu lục này ghi nhận trên 165.000 ca nhiễm trong tuần kết thúc vào ngày 5/9, thấp hơn 23% so với tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn số ca nhiễm theo tuần được ghi nhận vào đỉnh điểm của làn sóng thứ nhất.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti cho biết: “Dù số ca nhiễm đang giảm đáng kể, xu hướng giảm này diễn ra chậm chạp do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh hơn”.

Biến thể Delta, một trong các nguyên nhân gây ra làn sóng thứ ba, đã được ghi nhận trong hơn 70% mẫu bệnh ở Botswana, Malawi cùng Nam Phi và trong hơn 90% mẫu bệnh ở Zimbabwe. Đến nay, biến thể Delta đã được phát hiện tại 31 quốc gia châu Phi, trong khi biến thể Alpha và Beta được phát hiện lần lượt tại 44 nước và 39 nước ở châu lục này.

Trong khi đó, biến thể C.1.2, phát hiện đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 5 vừa qua hiện đã lây lan sang 10 quốc gia, trong đó có 5 nước châu Phi. Các chuyên gia xác nhận đây là biến thể có nhiều đột biến hơn mọi biến thể đã được phát hiện từ trước đến nay trên toàn thế giới. Cụ thể, C.1.2 có 41,8 đột biến mỗi năm và tốc độ lây nhanh hơn khoảng 1,7 lần so với tốc độ toàn cầu hiện tại và nhanh hơn 1,8 lần so với ước tính ban đầu về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2.

Khi làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang giảm dần, các lô vaccine được chuyển tới châu Phi tăng lên, với khoảng 5,5 triệu liều qua cơ chế tiếp cận vaccine COVAX trong tuần đầu tháng 9. Tiến sĩ Moeti cho biết: “Để chống dịch thành công, cần nỗ lực hết sức để giảm lây nhiễm thông qua các biện pháp y tế công cộng bên cạnh việc đẩy nhanh tiêm chủng.”

Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi, ông John Nkengasong cùng ngày cho biết các nước giàu cần đẩy nhanh việc chuyển vaccine đến châu Phi để giúp chống đại dịch toàn cầu, hơn là tập trung vào tiêm mũi tăng cường cho người dân nước mình khi chưa có bằng chứng khoa học cho thấy hiệu quả của việc này. Ông khẳng định các kế hoạch tiêm mũi tăng cường ở những nước giàu sẽ khiến châu Phi càng khó đạt mục tiêu tiêm cho 60 - 70% dân số - vốn cần tới ít nhất 1,6 tỷ liều vaccine.

Chương trình tiếp cận vaccine công bằng COVAX đang thiếu gần 30% số liều so với mục tiêu 2 tỷ liều trong năm nay. Hiện chỉ 3% dân số châu Phi được tiêm vaccine. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan trên diện rộng với sự xuất hiện của các biến thể mới.

Theo trang thống kê worldometers.info, số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi hiện đã vượt 8 triệu ca, trong đó có 201.535 ca tử vong. Khu vực Nam Phi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Bích Liên (TTXVN)
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu lo ngại về biến thể Mu
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu lo ngại về biến thể Mu

Ngày 9/9, Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết biến thể Mu có thể là biến thể đáng lo ngại mặc dù đến nay chưa có dữ liệu nào cho thấy biến thể này có thể vượt biến thể Delta, vốn là nguyên nhân chủ yếu gây ra làn sóng COVID-19 hiện nay trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN