Việc cải tổ ngân sách của WHO nhằm tăng hiệu quả hoạt động tổ chức này, đảm bảo sự hỗ trợ và ứng phó linh hoạt với các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai. Sự thay đổi này sẽ mang lại cho WHO nguồn thu ổn định hơn và kiểm soát được phần lớn nguồn tài trợ thông qua trụ sở chính ở Geneva (Thụy Sĩ).
Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định việc các quốc gia thành viên nhất trí cải tổ ngân sách WHO là thời khắc lịch sử và điều này sẽ làm thay đổi cách thức đóng góp tài chính cũng như cách thức hoạt động của cơ quan y tế thế giới. Ông nhấn mạnh việc cải tổ sẽ tạo ra một nền tảng ngân sách bền vững và có thể dự đoán được, qua đó đảm bảo ngân sách cho chương trình dài hạn tại các quốc gia. Theo ông Tedros, đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của WHO và lý do thế giới cần một tổ chức y tế đa phương có ngân sách bền vững, được trao quyền và mạnh mẽ hơn.
Nguồn ngân sách của WHO chủ yếu phụ thuộc vào các khoản đóng góp tự nguyện của các chính phủ và các nhà tài trợ tư nhân, vốn thường được dành cho các chương trình cụ thể. Vì vậy, hoạt động của tổ chức chưa thực sự không hiệu quả và thiếu sự linh hoạt trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng bất thường như đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine ....
Hiện nay, các quốc gia thành viên chuyển phần lớn số tiền đóng góp vào các dự án y tế ngắn hạn mà những nước này tự chọn, nhưng mức đóng góp không ổn định. Theo kế hoạch cải tổ ngân sách, đến giai đoạn 2030-2031, tổng phí thành viên của các nước đóng cho WHO sẽ chiếm 50% ngân sách hằng năm của tổ chức này, qua đó tạo điều kiện cho WHO có ngân quỹ ổn định để hoạt động linh hoạt hơn. Đổi lại, WHO sẽ triển khai các cải cách hướng đến tăng cường tính minh bạch trong chi ngân sách và tuyển dụng.
Ngân sách được phê duyệt cho năm 2022-2023 của WHO ở mức 6,12 tỷ USD, tăng 5% so với mức 5,84 tỷ USD cho ngân sách năm 2020-2021. Theo số liệu mới nhất, các khoản đóng góp bắt buộc của các nước thành viên, vốn được tính dựa trên dân số và sự giàu có của mỗi quốc gia, chỉ ở mức 957 triệu USD, trong khi các khoản đóng góp tự nguyện cụ thể lên tới 3,7 tỷ USD. Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho WHO với 219 triệu USD, tiếp đến là Trung Quốc với 115 triệu USD, Nhật Bản là 82 triệu USD, Đức và Anh lần lượt là 58 triệu USD và 44 triệu USD.