Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bandar Abbas, Iran. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, báo cáo của WB nhận định sau khi giảm 3,8% trong năm 2020, kinh tế của khu vực MENA có thể đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm 2021, với tổng thiệt hại do đại dịch gây ra ước tính lên tới gần 200 tỷ USD tính đến cuối năm. Khủng hoảng của hệ thống y tế tại khu vực này đã dẫn đến tình trạng cắt giảm việc làm, kéo theo sự gia tăng mạnh số người sống dưới mức nghèo khổ.
Báo cáo nêu rõ: "Hệ thống y tế căng thẳng, cùng với một loạt yếu tố kinh tế toàn cầu khác, như sự biến động của giá nguyên liệu, đặc biệt là giá dầu, dẫn đến sự phục hồi kinh tế không đồng đều của khu vực MENA với triển vọng bấp bênh".
Báo cáo nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế của các nước tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng. Báo cáo lưu ý rằng trong khi các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đứng đầu thế giới về tiêm chủng phòng COVID-19, thì tốc độ tiêm chủng tại nhiều nước đang phát triển trong khu vực MENA rất chậm khiến dịch bệnh vẫn lây lan mạnh. Ngoài ra, sự bất ổn chính trị mà một số quốc gia xuất khẩu dầu như Iran, Iraq, Libya và Yemen đang trải qua có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng.
Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Trung Đông-Bắc Phi, ông Ferid Belhaj kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng cải thiện hệ thống y tế nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của khu vực và chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng trong tương lai. Ông Belhaj nhấn mạnh "tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh tế trong khu vực là một sự nhắc nhở đau đớn rằng phát triển kinh tế và y tế cộng đồng liên quan chặt chẽ với nhau".