WB đưa ra cảnh báo nói trên giữa lúc lượng trái phiếu mà chính phủ của các nền kinh tế mới nổi bán ra đã chạm mức cao nhất từ trước đến nay là 47 tỷ USD trong tháng Một, trong đó dẫn đầu là các nền kinh tế mới nổi ít rủi ro hơn như Saudi Arabia, Mexico và Romania.
Tuy nhiên, nhiều thị trường có độ rủi ro cao hơn đã bắt đầu phát hành trái phiếu với mức lợi suất cao hơn. Kenya gần đây đã đưa ra mức lợi suất hơn 10% cho một hạng mục trái phiếu quốc tế mới. Giới chuyên gia thường xem những trái phiếu có lợi suất trên ngưỡng này là khoản vay không thể trả được.
Chính vì thế, ông Ayhan Kose, chuyên gia kinh tế của WB, cho rằng các nền kinh tế đang phát triển cần tăng trưởng nhanh hơn nữa để có thể có khả năng trả nợ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng mức tăng trưởng cao hơn chi phí đi vay thực tế như trên rất “hiếm có khó tìm”.
Số liệu của Viện Tài chính Quốc tế công bố ngày 21/2 cho thấy nợ toàn cầu đã chạm mức cao kỷ lục mới 313.000 tỷ USD trong năm 2023, trong khi tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - một chỉ báo thể hiện khả năng trả nợ của một nước - của các nền kinh tế mới nổi cũng leo lên các mức cao mới. Điều này cho thấy các nước mới nổi có thể sẽ gặp nhiều căng thẳng tài chính trong thời gian tới.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố hồi tháng trước, WB cảnh báo kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ ghi nhận "kỷ lục nghiệt ngã" - tốc độ tăng trưởng GDP nửa thập kỷ (2020 - 2024) chậm nhất trong 30 năm. Tăng trưởng toàn cầu được dự đoán sẽ chậm lại năm thứ ba liên tiếp, xuống còn 2,4%, trước khi tăng trở lại lên 2,7% trong năm 2025.
Sự giảm tốc tăng trưởng này đặc biệt nguy hiểm với các nền kinh tế mới nổi, khi 1/3 trong số các nước này vẫn chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19 và có thu nhập bình quân đầu người dưới mức của năm 2019.
Ngoài ra, căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng là một nguy cơ khác làm gia tăng những lo ngại về chính sách tiền tệ thắt chặt và thương mại toàn cầu yếu.