Trong báo cáo về thị trường hàng hóa toàn cầu, WB nhấn mạnh cuộc xung đột giữa Hamas - Israel tại Dải Gaza đã khiến căng thẳng leo thang khắp khu vực, gây áp lực lên giá các mặt hàng quan trọng, đáng chú ý là dầu mỏ và vàng.
Báo cáo đề cập đến kịch xấu nhất là giá dầu mỏ tăng nhanh có thể đẩy lạm phát toàn cầu lên cao.
Hiện căng thẳng ở Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" sau hơn 200 ngày kể từ khi cuộc xung đột giữa Hamas - Israel bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái.
Cơ quan y tế vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát cho biết cuộc tấn công quân sự của Israel đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 34.262 người ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Nhà kinh tế trưởng của WB, Indermit Gill cho biết động lực chính cho giảm phát - là giá hàng hóa giảm - về cơ bản đã chạm đáy. Theo ông, điều này có nghĩa là lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn dự kiến hiện nay trong năm nay và năm tới. Ông cho rằng thế giới đang ở thời điểm dễ bị tổn thương và một cú sốc lớn về giá năng lượng có thể hủy hoại phần lớn tiến bộ trong nỗ lực giảm lạm phát trong hai năm qua.
WB ước tính sự gián đoạn nguồn cung liên quan đến xung đột ở mức vừa phải có thể đẩy giá trung bình của một thùng dầu thô Brent lên 92 USD/thùng, trong khi sự gián đoạn nghiêm trọng có thể đẩy giá dầu thô lên mức hơn 100 USD/thùng.
WB cảnh báo với kịch bản xấu nhất này, lạm phát toàn cầu có thể tăng gần 1 điểm phần trăm trong năm nay. WB cho rằng ngoài việc trì hoãn cắt giảm lãi suất, xung đột Trung Đông có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, vốn đã xấu đi vào năm ngoái do các cuộc xung đột vũ trang và giá lương thực tăng cao.