Cuộc tấn công 'thêm dầu vào lửa'
Israel cho biết đã xác định được khoảng 30 quả rocket bay từ Liban vào lãnh thổ Israel và cáo buộc phong trào Hezbollah gây ra vụ tấn công này.
Ngoài 12 trường hợp tử vong, có 29 người bị thương trong vụ tấn công ở Majdal Shams, một ngôi làng ở phía Bắc Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Đây là nơi sinh sống của cộng đồng người Druze. Khoảng 20.000 người Arab Druze sống ở Cao nguyên Golan. Hầu hết người Druze ở Cao nguyên Golan tự nhận là người Syria và đã từ chối đề nghị nhập quốc tịch Israel. Trong số các địa điểm bị tấn công có một sân bóng đá nơi trẻ em và thanh thiếu niên đang vui chơi.
Cuộc tấn công là sự leo thang lớn trong những tháng bất ổn ở khu vực biên giới Israel-Liban. Israel và Hezbollah đã đấu súng ở khu vực biên giới trong gần 10 tháng với mức độ ngày càng dữ dội và thậm chí trước cuộc tấn công hôm 27/7, các lãnh đạo khu vực đã cảnh báo rằng cuộc xung đột đang đạt đến đỉnh điểm.
Các vụ đọ hỏa lực trở nên thường xuyên hơn trong những tuần gần đây và cả Hezbollah lẫn Israel đều nhắm mục tiêu vào những địa điểm ngày càng sâu hơn trong lãnh thổ Liban, Israel.
Căng thẳng gia tăng khi Israel tiêu diệt hai chỉ huy cấp cao của Hezbollah là Sami Taleb Abdullah vào tháng 5 và Muhammed Neamah Naser vào tháng 6. Israel cáo buộc hai nhân vật này chỉ đạo các cuộc tấn công khủng bố trước và sau vụ việc ngày 7/10/2023. Hezbollah đã trả đũa bằng cách bắn hàng trăm tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn chưa leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.
Trong khi IDF đổ lỗi cho Hezbollah về vụ tấn công, phong trào này đã lên tiếng phủ nhận qua một tuyên bố trên Telegram ngày 27/7. Tuyên bố có đoạn: “Phong trào kháng chiến Hồi giáo tại Liban kiên quyết phủ nhận các cáo buộc do một số cơ quan truyền thông đối phương và nhiều nền tảng truyền thông khác nhau đưa ra liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào Majdal Shams. Chúng tôi không liên quan đến vụ việc và kiên quyết phủ nhận mọi tuyên bố sai sự thật liên quan đến vấn đề này”.
Nhưng IDF cho biết phân tích của họ cho thấy tên lửa phóng vào Majdal Shams được thực hiện từ một khu vực nằm ở phía Bắc làng Chebaa ở miền Nam Liban. Người phát ngôn của IDF, cho biết Hezbollah đã nói dối khi phủ nhận đứng sau vụ tấn công.
Israel cảnh cáo trả đũa
Sau vụ việc, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi cam kết sẽ trừng phạt Hezbollah trong khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu đẩy nhanh lịch trình quay về Israel từ Mỹ. Thủ tướng Netanyahu ban đầu dự kiến khởi hành trở về nhà sau chuyến thăm cấp cao tới Mỹ vào lúc 11 giờ tối 27/7 nhưng đã đẩy lịch cất cánh lên thành 6 giờ tối giờ địa phương.
Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho biết nhà lãnh đạo này đã vạch rõ rằng Hezbollah sẽ phải trả giá đắt cho cuộc tấn công. Tổng thống Israel Isaac Herzog lên án cuộc tấn công là một "thảm họa khủng khiếp và gây sốc" đồng thời nhấn mạnh Israel sẽ bảo vệ công dân nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đang tiến hành đánh giá tình hình cùng với Tham mưu trưởng IDF và các quan chức quốc phòng cấp cao. Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Gallant cho biết Israel sẽ đáp trả kẻ thù "một cách dữ dội".
Dưới đây là video về khoảnh khắc xảy ra vụ nổ tại Majdal Shams, thuộc Cao nguyên Golan (nguồn: Reuters):
Chính phủ Liban tuyên bố họ lên án mọi hành vi bạo lực và tấn công nhằm vào người dân thường. Chính phủ Liban cũng kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành vi thù địch trên mọi mặt trận đồng thời khẳng định việc nhắm mục tiêu vào người dân thường là hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và trái với các nguyên tắc của nhân loại.
Nhà Trắng đã lên án vụ tấn công và tái khẳng định ủng hộ đối với Israel. Trong khi đó, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell đã kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về các vụ tấn công và thúc giục các bên kiềm chế.
Cao nguyên Golan từng là một phần lãnh thổ của Syria. Năm 1967, Israel chiếm phần lớn diện tích khu vực này trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Đến năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan.
Cộng đồng quốc kế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ghi nhận động thái sáp nhập đơn phương này. Trong khi đó, Syria yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ.
Syria cố gắng giành lại Cao nguyên Golan trong cuộc chiến Trung Đông năm 1973 nhưng không đạt được mục tiêu. Israel và Syria ký hiệp định đình chiến vào năm 1974.
Năm 2000, hai nước tổ chức đàm phán cấp cao về khả năng trả lại Cao nguyên Golan và một thỏa thuận hòa bình. Nhưng cuộc đàm phán đã thất bại và những sự kiện tương tự sau đó cũng vậy.
Có khoảng 40.000 người sinh sống tại Cao nguyên Golan, trong đó một nửa là người định cư Israel, nhiều người trong số họ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch.