Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên: Nhật Bản kêu gọi LHQ họp khẩn

Trong một phản ứng đầu tiên sau vụ phóng tên lửa mới nhất sáng nay 29/8 của Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định việc tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này là một "mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có, hủy hoại hòa bình và an ninh khu vực".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông cũng kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) họp khẩn cấp gia tăng sức ép đối với Triều Tiên.

Trong khi đó, phát biểu sau cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia do Thủ tướng Abe chủ trì, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng cần tăng sức ép hơn nữa đối với Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mới nhất này. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, những lo ngại liên quan tới an ninh quốc gia Nhật Bản đã gia tăng sau hành động của Triều Tiên. Ông Onodera cho biết Chính phủ Nhật Bản vẫn đang tiến hành phân tích tên lửa của Triều Tiên, bao gồm độ cao của nó.

Nhật Bản hiện đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước mối đe dọa Triều Tiên kể từ năm 1998, sau khi nước này phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua phần phía Bắc của Nhật Bản tới Tây Thái Bình Dương mà không cảnh báo. Một thập kỷ sau, vào năm 2009, một vật thể bay của Triều Tiên đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản, song không gây ra sự cố gì. Khi đó, Triều Tiên cho biết họ phóng vệ tinh viễn thông trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tin là Bình Nhưỡng đã thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Cùng ngày 29/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận Triều Tiên vừa phóng một tên lửa bay qua Nhật Bản. Người phát ngôn bộ trên, Đại tá Robert Manning cho biết quân đội Mỹ đang tiếp tục thu thập thông tin. Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) khẳng định vụ phóng này không đe dọa tới khu vực Bắc Mỹ. Theo quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên đã bay được khoảng 2.700 km với độ cao tối đa đạt 550 km.

Đánh giá về tên lửa của Triều Tiên trong vụ phóng này, chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul (Hàn Quốc), nhà phân tích Kim Dong-yub (Kim Đông Uy) nhận định các dữ liệu ban đầu cho thấy nhiều khả năng đây là Hwasong-12, loại tên lửa tầm trung mà Bình Nhưỡng mới đây vừa cảnh báo sử dụng để bắn tới đảo Guam (Goam) - vùng lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Theo ông Kim Dong-yub, cũng có thể loại tên lửa Triều Tiên vừa sử dụng là Musudan, có khả năng vươn tới hầu hết khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoặc là Pukguksong-2, loại tên lửa dùng nhiên liệu thể rắn vốn có thể bắn nhanh và bí mật hơn các loại vũ khí sử dụng nhiên liệu thể lỏng.

Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra chỉ 3 ngày sau khi Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa tầm ngắn từ bờ biển phía Đông của nước này. Theo Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ, 2 quả tên lửa đã bay được quãng đường 250 km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản, trong khi quả thứ 3 phát nổ gần như ngay lập tức. Liên quan đến vụ phóng ngày 26/8, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Lầu Năm Góc tuyên bố việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn là “mối đe dọa”, ngay cả khi vụ phóng này không trực tiếp gây nguy hiểm cho Mỹ. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Manning nêu rõ: “Triều Tiên vẫn tiếp tục phóng tên lửa và chúng tôi coi đây là mối đe dọa, một hành động gây hấn”. Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Triều Tiên tiếp tục tiến hành vụ phóng tên lửa về phía Biển Nhật Bản.

TTXVN/Báo Tin Tức
Ai đứng sau mạng lưới chuyển tiền cho Triều Tiên?
Ai đứng sau mạng lưới chuyển tiền cho Triều Tiên?

Nổi bật lên trong số các hành động pháp lý của Mỹ liên quan đến Triều Tiên gần đây có thể kể đến vụ kiện liên bang nhằm vào thương vụ làm ăn của một doanh nhân bí ẩn người Trung Quốc trợ giúp Bình Nhưỡng phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN