Đây chính là hộp đen thứ 2 của chiếc máy bay gặp nạn, có thể giúp các nhà điều tra hiểu rõ hơn về nguyên nhân vụ tai nạn liệu có liên quan đến yếu tố con người hay không.
Trao đổi với hãng tin Reuters, người phát ngôn Hải quân Indonesia La Ode Muhamad Holib cho biết hộp đen thứ 2 của chiếc máy bay xấu số Boeing 737-500 trên đã được tìm thấy sáng 31/3. Trong khi đó, một người phát ngôn bộ trên từ chối cho biết liệu thiết bị này có còn nguyên vẹn hay không.
Dự kiến, một cuộc họp báo để thảo luận về việc tìm thấy thiết bị CVR trên sẽ được tổ chức vào 11h sáng 31/3 theo giờ địa phương (11h sáng cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Trước đó, các thợ lặn đã tìm thấy phần vỏ ngoài và đèn hiệu của hộp đen thứ 2 chỉ trong vòng vài ngày sau khi vụ tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, họ phải mất gần 3 tháng để tìm kiếm bộ nhớ của hộp đen ở những vùng nước tương đối nông nhưng có bùn.
Máy bay Boeing Co 737-500 đã hoạt động 26 năm và bị rơi xuống vùng biển ngoài khơi thủ đô Jakarta ngày 9/1 sau khi vừa cất cánh vài phút để thực hiện hành trình từ Jakarta tới thủ phủ Pontianak của tỉnh Tây Kalimantan. Toàn bộ 62 người trên máy bay, gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, đã thiệt mạng. Ngày 10/2 vừa qua, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia công bố kết quả điều tra ban đầu về vụ tai nạn, theo đó nguyên nhân có thể do máy bay bị mất cân bằng lực đẩy của động cơ. Dựa trên việc giải mã hộp đen ghi lại hành trình chuyến bay (FDR) của máy bay Boeing Co 737-500, các nhà điều tra cho biết sau khi cất cánh, lực đẩy trong động cơ bên trái của máy bay giảm xuống, trong khi ở động cơ bên phải vẫn không bị ảnh hưởng. Ở độ cao khoảng 3.300 m, hệ thống lái tự động của máy bay ngừng hoạt động, máy bay bị nghiêng sang trái và bắt đầu rơi.
Đây được xem là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Indonesia kể từ sau vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống vùng biển Java năm 2018. Vụ tai nạn thảm khốc này đã khiến 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.