Vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên có thể là gì?

Ngày 1/1, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un dự kiến phát triển chương trình hạt nhân và giới thiệu “vũ khí chiến lược mới” trong tương lai gần. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại với Mỹ.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự cuộc họp của đảng Lao động tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP

Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra phát biểu này tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 7. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã cam kết duy trì chương trình hạt nhân của nước này nhưng “quy mô và chiều sâu” sẽ phụ thuộc vào thái độ của Mỹ. Ông nói: “Thế giới sẽ chứng kiến một vũ khí chiến lược mới do Triều Tiên sở hữu”.

Chủ tịch Kim Jong-un cho biết ông có thể sẽ phải tìm “con đường mới” nếu Mỹ không đáp ứng được kỳ vọng của ông. Một số lãnh đạo quân sự Mỹ đánh giá động thái của Bình Nhưỡng có thể bao gồm phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa và thử đầu đạn hạt nhân. Lần gần đây nhất Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa là vào năm 2017.

Chuyên gia Jeffrey Lewis tại Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California (Mỹ) cho biết rất khó để dự đoán động thái tiếp theo của Triều Tiên, nhưng các lựa chọn của Bình Nhưỡng có thể là phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn và thử hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sẽ “vô cùng thất vọng” nếu Triều Tiên không còn cam kết phi hạt nhân và hy vọng Chủ tịch Kim Jong-un sẽ “lựa chọn hòa bình, thịnh vượng thay vì xung đột và chiến tranh”.

Ngày 1/1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về tuyên bố của Triều Tiên hàm ý nước này có thể nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Trong một tuyên bố, người phát ngôn TTK LHQ, ông Stephane Dujarric nhấn mạnh: “TTK rất hy vọng rằng những cuộc thử nghiệm sẽ không được nối lại, phù hợp với các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an". Ông Dujarric nêu rõ "không phổ biến (hạt nhân) vẫn là một trụ cột cơ bản của an ninh hạt nhân toàn cầu và phải được duy trì... Can dự ngoại giao là con đường duy nhất dẫn tới hòa bình bền vững”.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng ngày 30/12/2019. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Kim Jong-un đã kêu gọi thực hiện "các biện pháp đối phó về ngoại giao và quân sự" nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền của đất nước. Ông đề nghị các đảng viên chuẩn bị "các biện pháp đối phó chủ động về chính trị, ngoại giao, quân sự" bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh của đất nước".

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Chủ tịch Kim Jong-un đã "báo cáo toàn diện về công tác của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, xây dựng nhà nước, phát triển kinh tế và xây dựng các lực lượng vũ trang trong 7 giờ tại hội nghị toàn thể". Ông Kim Jong-un kêu gọi tăng cường nỗ lực của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và xây dựng Đảng trở thành "một đảng chiến đấu đầy sức mạnh và sinh lực".

Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra các chỉ thị trong lĩnh vực đối ngoại, công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cảnh báo về "tình hình nghiêm trọng" mà nền kinh tế nước này đang phải đối mặt, đồng thời kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục.

Hà Linh/Báo Tin tức
Triều Tiên cải tổ bộ máy lãnh đạo đảng cầm quyền
Triều Tiên cải tổ bộ máy lãnh đạo đảng cầm quyền

Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, đảng Lao động Triều Tiên đã tiến hành một cuộc cải tổ lớn các vị trí quan trọng trong phiên họp toàn thể gần đây, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi tăng cường tự lực trong một cuộc đấu tranh kéo dài chống lại các lệnh trừng phạt do Mỹ khởi xướng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN