NNA dẫn lời Bộ trưởng Văn hóa Liban Mohammad Wissam Mortada cho biết sẽ đình chỉ mọi hoạt động hợp tác văn hóa với Thụy Điển và Đan Mạch, cũng như đại sứ quán của hai nước này tại Beirut, cho đến khi chính phủ hai nước có biện pháp thích hợp để khắc phục tình hình. Bộ trưởng Mortada nhấn mạnh Liban phản đối "các hành động có tính công kích diễn ra nhiều lần".
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cũng bày tỏ hy vọng đề xuất của chính phủ về một lệnh nhằm giới hạn hành vi đốt kinh Koran sẽ giúp giảm leo thang căng thẳng với các nước Hồi giáo. Trước đó, Chính phủ Đan Mạch thông báo sẽ sử dụng đến"công cụ pháp lý", cho phép nhà chức trách can thiệp vào những tình huống mà “các quốc gia, nền văn hóa hay tôn giáo khác đang bị xúc phạm, và khi vấn đề này có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng cho Đan Mạch, nhất là về vấn đề an ninh".
Phát biểu sau cuộc họp với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Quốc hội Đan Mạch, Bộ trưởng Rasmussen bày tỏ hy vọng rằng nỗ lực mà Copenhagen đang thể hiện sẽ giúp xoa dịu bớt căng thẳng mà nước này phải đối mặt. Ông nhấn mạnh nỗ lực này không bắt nguồn từ áp lực, mà dựa trên phân tích chính trị cho thấy một biện pháp pháp lý như vậy là phù hợp với lợi ích quốc gia.
Chính phủ hai nước Đan Mạch và Thụy Điển đã khẳng định phản đối việc đốt kinh Koran, song không thể ngăn chặn các hành vi này do luật hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, cả hai chính phủ đều đang xem xét việc sửa đổi pháp lý để cho phép cơ quan chức năng ngăn chặn các vụ đốt kinh tương tự diễn ra trong tương lai. Chính phủ Thụy Điển cho biết họ đang cân nhắc một giải pháp tương tự như Đan Mạch nhưng chưa thể tiến tới nhất trí chung, do các đảng cánh hữu ở cả hai nước đều quan ngại khả năng quyền tự do ngôn luận bị xâm phạm.
Mới đây, Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom cho biết ông đã gửi thư cho tất cả 57 quốc gia trong Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) để giải thích về quyền tự do hội họp tại nước này, đồng thời khẳng định lần nữa lập trường phản đối các hành vi kỳ thị đạo Hồi. Trong khi đó, các ngoại trưởng OIC đã triệu tập phiên họp bất thường trong ngày 31/7 để thảo luận về diễn biến gần đây liên quan các vụ báng bổ kinh Koran.
Đan Mạch và Thụy Điển đã trở thành tâm điểm chú ý trong những tuần gần đây sau khi một số đối tượng cực đoan liên tục đốt hoặc có hành động báng bổ kinh Koran tại thủ đô của hai nước, làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại các nước Hồi giáo trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia ở Trung Đông đã triệu đại diện ngoại giao của cả Đan Mạch và Thụy Điển tới làm việc về vấn đề này.
Tuy nhiên, một cuộc biểu tình khác lại mới xảy ra bên ngoài tòa Quốc hội ở thủ đô Stockholm, trong đó hai đối tượng đã có hành vi giẫm đạp và đốt cuốn kinh Koran, tương tự như trong các vụ việc trước đó. Theo hãng tin AFP, cảnh sát Thụy Điển đã cấp phép tổ chức cuộc biểu tình vào lúc 13h00 ngày 31/7. Lực lượng cảnh sát nhấn mạnh họ chỉ cho phép những người này được tụ họp theo như quy định luật pháp, song họ không có quyền kiểm soát các hành động diễn ra trong cuộc biểu tình này.