Nhóm này trước đó đã thực hiện hành vi tương tự trước Đại sứ quán Iraq tại Copenhagen hôm 17/7. Những tuần qua, các vụ đốt kinh Koran liên tiếp diễn ra tại 2 nước châu Âu là Đan Mạch và Thụy Điển đã vấp phải phản ứng gay gắt từ các nước có đa số người Hồi giáo.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/7 đã lên án mạnh mẽ "các cuộc tấn công liên tục" vào kinh Koran, đồng thời chỉ trích nhà chức trách Đan Mạch không đánh giá đúng về mức độ nghiêm trọng của hành động đốt kinh Koran. Hôm 24/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Đan Mạch thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hành vi chống lại đạo Hồi.
Một nước Hồi giáo khác là Bahrain ngày 25/7 đã triệu Đại biện lâm thời của Thụy Điển và trao công hàm chính thức phản đối việc “đốt các bản sao kinh Koran ở Stockholm”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bahrain coi hành vi đốt kinh Koran là “sự khiêu khích nghiêm trọng đối với cảm xúc của người Hồi giáo và vi phạm các nguyên tắc và nghị quyết quốc tế”.
Ngoại trưởng Oman Sayyid Badr Al-Busaidi ngày 25/7 đã điện đàm với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom để yêu cầu chấm dứt phân biệt đối xử với tín ngưỡng. Hai bộ trưởng đã nhất trí về tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại và tôn trọng sự khác biệt giữa các quốc gia và các nền văn hóa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 25/7 thông báo nước này đã triệu Đại biện lâm thời của Thụy Điển để phản ứng về các vụ đốt kinh Koran. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết nước này lên án mạnh mẽ những vụ đốt các bản sao của kinh Koran.
Bộ Ngoại giao Iraq hôm ngày 24/7 đã kêu gọi chính quyền các nước Liên minh châu Âu (EU) “nhanh chóng xem xét lại cái gọi là "quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình” sau vụ đốt kinh Koran.
Trong khi đó, Đan Mạch và Thụy Điển cho rằng họ lấy làm tiếc về việc đốt kinh Koran thời gian qua song không thể ngăn cản việc này do các quy định của luật pháp.